Tiểu Sử Cố Huynh Trưởng Cấp Tấn Bổn Đồng Phạm Lợi (1935 – 2012)

TIỂU SỬ

Cố Huynh Trưởng Cấp Tấn GĐPTVN

Bổn Đồng Phạm Lợi

(1935 – 2012)

Nguyên Phó Trưởng Ban Hướng Dẫn GĐPT Bình Thuận

Nguyên Đại Diện BHD GĐPT Bình Thuận tại  Huyện Đức Linh

 

Cố Huynh trưởng cấp Tấn, húy Phạm Lợi, Ưu bà tắc giới pháp danh Bổn Đồng, Thập thiện – Bồ tát giới Pháp tự Phước Quân. Sinh ngày 10 tháng 10 năm Ất Hợi (1935), tại thôn Phú Bình, xã Hành Minh nay là thị trấn Chợ Chùa, huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi. Thân sinh là cụ ông Phạm Chương, cụ bà Huỳnh Thị Lan. Anh là người con thứ 2 trong gia đình có 4 anh em trai và 1 em gái, trong một gia đình có truyền thống Phật giáo lâu đời – Quy y Tam bảo.

 Năm 1955, Vâng lời song thân, anh kết duyên với chị Huỳnh Thị Lang, sinh hạ được 9 người con: 4 trai và 5 gái, các con của anh đều đã trưởng thành – yên bề gia thất

 Năm 1956, anh thi hành nghĩa vụ quân dịch tại Dục Mỹ – Khánh Hòa. Sau khi mãn hạn quân dịch, anh được xuất ngũ, đưa gia đình vợ con vào lập nghiệp tại vùng kinh tế tân sinh Bình Tuy, xã Võ Xu, quận Tánh Linh, tỉnh Bình Tuy. Tại đây, anh và gia đình thọ Tam quy – Ngũ giới với Hòa Thượng Thích Vĩnh Thọ, taị chùa Linh Hòa, xã Võ Xu, được Bổn sư ban pháp danh là Bổn Đồng. Về sau, nhằm mục đích tiến tu trên đường đạo hạnh, năm 2002, anh phát nguyện thọ trì Thập thiện và Bồ tát giới tại gia với Hòa Thượng đàn đầu Thích Đức Chơn, tại tu viện Quảng Hương Già Lam, được Hòa Thượng ban pháp tự là Phước Quân

SỰ NGHIỆP HOẠT ĐỘNG PHẬT SỰ:

Năm 1958, trong thời gian thi hành nghĩa vụ quân dịch tại Dục Mỹ, tỉnh Khánh Hòa, anh tham gia sinh hoạt với GĐPT Dục Mỹ, giữ nhiệm vụ Đội Trưởng Đội Sen Trắng – Đoàn Thiếu Nam. Sau 2 năm sinh hoạt, anh rời Đoàn, thuyên chuyển nơi khác

Năm 1960, sau khi mãn hạn quân dịch, anh về quê, đưa gia đình vào Đức Linh lập nghiệp. Thuở ấy, nơi đây được gọi là vùng Tân sinh Bình Tuy, gồm 2 quận Tánh Linh và Hoài Đức

Năm 1962, sau khi ổn đinh cuộc sống, anh về chùa Quảng Minh, xã Võ Xu, chùa lúc này có Thầy Thích Bảo Huệ, được Hội Tăng Già Nam Việt bổ nhiệm Trụ Trì, anh y chỉ với Thầy để tu học. Vâng lời Thầy, anh đứng ra thành lập GĐPT Chánh Tín, dưới sự hổ trợ – giáo dưỡng của Thầy Bảo Huệ. Cũng trong năm này, 10 đơn vị GĐPT quận Hoài Đức và Tánh Linh cắm trại tại chùa Quảng Hương, xã Mépu, nhằm mục đích Đại hội Huynh trưởng. Anh Mã Thành Cưng đại diện Ban Hướng Dẫn GĐPT Nam Việt về chủ tọa Đại hội, bầu ra Ban chấp hành GĐPT vùng Tân sinh Bình Tuy. Tại Đại hội này, bầu anh Tâm Bằng làm Trưởng ban, anh Bổn Đồng PHẠM LỢI được bầu vào chức vụ Phó Trưởng Ban – kiêm Liên đoàn trưởng GĐPT Chánh Tín.

 Năm 1963, anh đến chùa Quảng Chánh – Gia An, thành lập GĐPT Chánh Minh.

 Trong kỳ đại hội GĐPT Việt Nam toàn quốc tại trường Gia Long – Sàigòn, vào các ngày 28 – 29 – 30/06/1964, anh Đại diện Ban chấp hành, đưa đoàn Đại biểu Huynh trưởng GĐPT vùng Tân sinh về tham dự đại hội.

 Năm 1968, Đại hội kỳ III được tổ chức tại khuôn viên chùa Quảng Sơn, anh Bổn Đồng PHẠM LỢI được Đại hội tín nhiệm bầu vào chức vụ Trưởng ban chấp hành.

 Năm 1971, anh được anh Mã Thành Cưng đại diện BHD/TƯ tại miền Khánh Hòa, ký quyết định xếp anh vào hàng Huynh trưởng cấp Tập. Cũng trong năm này, Viện Hóa Đạo GHPGVNTN giải thể Ban đại diện Giáo hội biệt lập vùng Tân sinh (khu Dinh Điền) Bình Tuy, để sáp nhập vào Ban đại diện GHPGVNTN tỉnh Bình Tuy. Thầy Thích Bảo Huệ được Viện Hóa Đạo thuyên chuyển vào làm Chánh đại diện GHPGVNTN tỉnh Long Khánh và Trụ trì chùa Vĩnh Khánh, nay là chùa Long Thọ – Đồng Nai. Ban chấp hành GĐPT vùng Tân sinh cũng giải thể để hợp nhất với Ban chấp hành GĐPT Hàm Tân – Lagi thành Ban Hướng Dẫn GĐPT Bình Tuy.

Năm 1972, đại hội Huynh trưởng GĐPT tỉnh Bình Tuy. Anh Vĩnh Tường, Đặc ủy Thanh niên GHPGVNTN Bình Tuy, đứng ra vận động – tổ chức, trong thời gian 3 ngày 21 – 22 – 23/03/1972. Anh Mã Thành Cưng – anh Nguyễn Để đại diện BHD/TƯ tại miền Khánh Hòa chủ trì đại hội, bầu ra BHD GĐPT Bình Tuy nhiệm kỳ I. Anh Bổn Đông PHẠM LỢI, được đại hội tín nhiệm bầu vào chức vụ Phó trưởng ban ngành Nam.

Sau 1975, do thể chế chính trị thay đổi, các Đoàn thể Thanh – Thiếu – Nhi đều tan rã, GĐPT cũng cùng chung số phận. Một số nơi vì mất liên lạc, chỉ biết âm thầm sinh hoạt dưới mọi hình thức. Nhà nước Xã Hội Chủ Nghĩa không công nhận tôn giáo sinh hoạt tín ngưỡng độc lập, tất cả các đoàn thể Thanh –  Thiếu – Nhi phải được nhà nước quản lý.

Năm 1981, các hoạt động tôn giáo được mở rộng, dưới sự quản lý chặc chẽ của nhà nước. Trong tình thế tối tăm, GĐPT tại 2 huyện Đức Linh – Tánh Linh uyển chuyển tùy duyên để bảo trì mạng mạch tổ chức. Trong hoàn cảnh gian nan, anh Bổn Đồng PHẠM LỢI, kết hợp cùng một số anh chị em, băng những phương tiện thô sơ “xe đạp – đèn lon”, bôn ba khắp mọi nơi, liên lạc với nhau, hầu mong phục hoạt lại tổ chức.

Thiện duyên đã đến, BHD GĐPT tỉnh Gia Định tổ chức Lễ Hiệp kỵ, Lam viên bốn phương tụ hội, được chị Tâm Chánh Hoàng Thị Kim Cúc Phó Trưởng Ban Hướng Dẫn Trung Ương GĐPT Việt Nam, khẳng khái sách tấn, được Hòa Thượng ân sư Thích Trí Thủ chỉ giáo, GĐPT khắp nơi dần dần phục hoạt trở lại, trong đó có GĐPT tại Đức Linh – Tánh Linh. Cũng trong năm này, anh Mã Thành Cưng đến Đức Linh, mở các bậc học hàm thụ Kiên – Trì – Định, một số Huynh trưởng đã được đào tạo bổ túc trong chương trình này. Anh Bổn Đồng PHẠM LỢI không ngại tuổi cao cũng theo học bậc Định cùng anh em. Cũng trong thời gian này, anh nổ lực đến các chùa trong 2 huyện Đức Linh – Tánh Linh, vận động phục hoạt lại các đơn vị cũ, thành lập thêm các đơn vị mới như: Khánh Thiện, Khánh nhân, Khánh Lực, Khánh Trà, Khánh Phú, Khánh Tiến V.v… (đến năm 1994, 2 huyện Đức Linh – Tánh Linh đã có 20 đơn vị GĐPT sinh hoạt).

Năm 1983, anh Mã Thành Cưng tổ chức khảo sát các bậc Kiên – Trì – Định tại Đức Linh. Ban đại diện miền Khánh Hòa, gồm có các HTr cấp Tấn Mã Thành Cưng, HTr cấp Tấn Nguyễn Để, HTr cấp Tín Tổng thư ký Lê Thanh Dương, tổ chức cuộc họp tại chùa Long Thọ – Đồng Nai, để xét xếp cấp Tập cho một số Huynh Trưởng đã trúng cách ở các tỉnh và đề nghị xếp cấp Tín cho một số HTr, mãi đến năm 1989, Hội đồng Huynh trưởng cao niên mới ra quyết định công nhận xếp cấp Tín cho anh Bổn Đồng PHẠM LỢI.

Năm 1988, thực hiện đề xuất của anh, nhờ sự cộng lực của anh chị em, theo gương GĐPT tỉnh Gia Định. GĐPT Đức Linh – Tánh Linh tổ chức lễ Hiệp kỵ trai đàn chẩn tế. Được sự hổ trợ tận tâm của Thượng Tọa Thích Thiện Thái, Trụ trì chùa Long Ngự – Phan Thiết. Cung thỉnh      Đại lão Hòa Thượng Thích Viên Thành làm đàn chủ. Được sự ủng hộ nhiệt tình của toàn thể tín đồ Phật tử 2 huyện Đức Linh – Tánh Linh, đã gây uy thế lớn lao, chính quyền địa phương phải mở cửa chùa Quảng Sơn sau 10 năm bị đóng cửa, từ kết quả trọng đại nầy, đã tạo được sự tín nhiệm của GĐPT trong lòng đông đảo đồng bào Phật tử địa phương, làm cho uy thế GĐPT càng lúc càng vững mạnh.

Ngày 15/02/Kỷ Tỵ (1989), tại chùa Quảng Minh, một cuộc họp Huynh trưởng của 20 đơn vị GĐPT liên huyện, anh Bổn Đồng PHẠM LỢI, được tín nhiệm bầu vào chức vụ Trưởng ban. Trong năm này, anh Nguyễn Khắc Từ – anh Nguyễn Để về thăm.

Năm 1990, anh Để – anh Tú về thăm, gặp gỡ anh em tại chùa Quảng Sơn, bàn về việc liên lạc với Hàm Tân để hợp nhất sinh hoạt trở lại.

Năm 1993, anh Bổn Đồng PHẠM LỢI quyết tâm, cùng anh em liên hệ gặp gỡ Hàm Tân 2 lần:

-Lần thứ nhất , tại chùa Phước Sơn, xã Đức Phú, huyện Tánh Linh.  Sau 18 năm, anh em mới có dịp gặp lại nhau hàn huyên, biết bao tâm sự đổ dồn.

-Năm 1995, lần thứ 2, trong dịp lễ đặt đá xây dựng chùa Hoa Nghiêm – xã Đức Tân, thống nhất bầu ra Ban Hướng Dẫn GĐPT Bình Thuận, anh Bổn Đồng PHẠM LỢI được bầu vào chức vụ Phó trưởng ban ngành Nam.

Kể từ đây, sự sinh hoạt của GĐPT Bình Thuận đã rõ nét – vững vàng, củng cố niềm tin vào Tam Bảo – vào GĐPTVN, tin vào lý tưởng phụng sự đạo pháp – phụng sự dân tộc.

Sự kiên trì nổ lực cống hiến sâu sắc – phụng sự lý tưởng GĐPTVN. Năm 2001, anh được Ủy ban Quản Trị Huynh Trưởng Trung Ương, Ban Hướng Dẫn Trung Ương GĐPTVN  xếp cấp Tấn, theo quyết định số: 2001-022/HDTƯ/NV/QĐ ký ngày 27.03.2001, thâm niên được tính ngày 01.01.2001. Anh rất xứng đáng được đứng vào hàng ngũ lãnh đạo GĐPTVN

 CÔNG HẠNH VÀ ĐẠO LỰC

Anh không những miệt mài nổ lực thực tập tu học chuyển hóa nghiệp duyên tự thân – những mong đầy đủ tuệ giác thực hiện các Phật sự lợi đạo ích đời – phụng sự chúng sinh – đạo pháp và các giáo hội địa phương.

Năm 1963, pháp nạn lan tràn đến vùng dinh điền Bình Tuy. Chính quyền bất chấp sinh mạng hàng trăm tín đồ đang thanh tịnh hành lễ trước sân chùa, chúng nhẫn tâm ném lựu đạn vào giữa đám đông để khủng bố tinh thần đạo cố, đạo hữu Nguyễn Một phát hiện, kịp thời lao đến đè lên trên, quả lựu đạn bùng nổ, anh hy sinh cả thân mạng để cứu hàng trăm đồng bào Phật tử khỏi bị sát hại. Đau đớn trước giả tâm tàn bạo của chính quyền. anh Bổn Đồng PHẠM LỢI, đã sát cánh cùng giáo hội xã Gia An, họp mít tinh phản đối chính sách đàn áp Phật giáo – tàn sát tín đồ chùa Quảng Chánh xã Gia An. Chính quyền quận Tánh Linh bố ráp bắt một số Phật tử cốt cán về giam tại ty công an Bình Tuy, trong đó có anh Bổn Đồng PHẠM LỢI, anh bị ở tù 6 tháng, chúng áp đặt về tội chống đối chính quyền làm lợi cho cộng sản. Sau khi Ủy ban Liên phái can thiệp, anh được trả lại tự do.

Năm 1965, lại bị bạo quyền bắt đưa lên rừng ba tháng về tội bảo vệ chùa Quảng Minh -Võ Xu.

Sau 1975, nhiều xã mới tái định cư, các xã kinh tế mới thành lập, anh tích cực đến từng xã, trợ giúp tín đồ thành lập giáo hội – thành lập GĐPT, lên kế hoạch xây dựng chùa, để làm cơ sở thờ tự – tín ngưỡng – tu tập. Anh thường xuyên trợ duyên cho các Ban hộ tự các chùa trong và ngoài huyện trong các Phật sự lễ lượt Phật giáo, xây dựng lòng tin trong tín đồ Phật tử, làm tăng trưởng lòng cảm mến đối với anh –  đối với tổ chức GĐPT. Trong thời gian này, anh nếm trãi biết sao sóng gió gian nan, thực hiện biết bao lệnh triệu tập – trả lời biết bao câu hỏi của chính quyền. Đứng trước vô vàn chướng duyên thử thách, anh phát nguyện gánh vát gian nan, vô úy tĩnh tại đối mặt trước thực tại cam go, toàn tâm toàn ý, vững vàng hy hiến phụng sự tổ chức áo lam, phụng sự đạo pháp – dân tộc .

Năm 1981, sau khi gặp Hòa Thượng ân sư Thích Trí Thủ tại Tu Viện Quảng Hương Già Lam, anh không quản ngại sự hiểu lầm về việc anh dấn thân làm Thư ký cho huyện hội Phật giáo huyện Đức Linh nhiều nhiệm kỳ, để tạo thuận duyên cho GĐPT được phục hoạt đều khắp 2 huyện Đức Linh và Tánh Linh, mà vẫn giữ vững truyền thống – lập trường trung kiên, thực hiện đúng Nội Quy – Quy Chế GĐPTVN cho đến giây phút sau cùng. Anh đã an trú trong chánh niệm, xã bỏ báo thân vào lúc 08 giờ ngày 10/07/2012 (22/05/Nhâm Thìn), tại tư gia thị trấn Đức Tài, huyện Đức Linh – Bình Thuận. Hưởng thọ 78 tuổi – 50 tuổi đạo, trong thanh khí luân phiên hộ niệm của toàn thể Huynh trưởng GĐPT huyện Đức Linh và tang quyến.

Suốt cuộc đời của anh là vầng nhật – nguyệt tinh khôi, là bài học sáng chói xứng đáng cho toàn thể Lam Viên Bình Thuận tu học – thực tập – noi theo. Anh hy hiến trọn đời cho cõi đạo – vì lợi lạc cho đời – phục vụ chúng sinh – phụng sự tổ chức GĐPTVN. Những năm cuối đời, mặc dù thân lâm trọng bệnh, anh vẫn miệt mài lo toan cho tổ chức – vì tiền đồ áo Lam – trung thành với lý tưởng GĐPT Việt Nam. Không một cuộc họp nào của GĐPT Đức Linh – của Bình Thuận, không có một cuộc Lễ lượt – hội trại nào mà anh không có mặt. Công hạnh của anh thật là cao cả, xứng đáng là người anh cả của hơn 20 đơn vị GĐPT tại địa phương, đơn vị nào mà không có bàn tay của anh chăm chút – tô bồi. Sự ra đi của anh là một mất mát to lớn cho GĐPT và cho Phật giáo tỉnh nhà.

 

Nam Mô Công Đức Lâm Bồ Tát Ma Ha Tát

Vp BHD GĐPT Bình Thuận

Bài khác nên xem

Giáo dục không tình thương như xây thành không vôi hồ

datthinh

BHD Cam Ranh: Sinh hoạt hậu trại A Dục XIII-Huyền Trang V (đợt 2)

Huệ Quang GĐPTVN

B HD GĐPT Khánh Hoà công nhận chính thức GĐPT Tân Long- Diên Khánh

phuocthanh