Bài Cảm Niệm Của BHD GĐPT Thừa Thiên

BÀI CẢM NIỆM

CỦA BHD GĐPT THỪA THIÊN TRONG BUỔI TƯỞNG NIỆM
CỐ HUYNH TRƯỞNG CẤP DŨNG ĐỒNG TRÍ CHÂU LỘC

 Anh Đồng Trí Châu Lộc kính mến,

Sau một thời gian thật dài anh  nằm im trên giường bệnh, bên cạnh gia đình, bên cạnh những người thân yêu của anh trong đó có anh chị em Gia Đình Phật Tử,  anh đã ra đi nhẹ nhàng, nhẹ nhàng như một chiếc lá bồ đề rơi xuống từ cây bồ đề, và lại trở về bên cội bồ đề mà anh hằng mơ ước.

 Chỉ mới cách đây hơn năm mươi ngày thôi, tổ chức GĐPT Việt Nam đã mất đi anh Nguyên Ngộ Nguyễn Sĩ Thiều, bây giờ, Lam viên lại chia tay một người anh thứ hai, anh Đồng Trí Châu Lộc. Tổ chức màu Lam tại Thừa Thiên của chúng ta trong thời gian vừa qua đã hứng chịu nhiều tổn thất mất mát quá lớn về nhân sự, lại phải đương đầu với những vấn đề nội bộ khá phức tạp và nan giải.

Nhưng thiệt thòi lớn nhất, mất mát lớn nhất của chúng em đó chính là không còn thấy được hình bóng các anh hằng ngày, không còn dịp được quây quần bên các anh,  nhìn những ánh mắt trong suốt tình Lam của các anh, nhìn những nụ cười chan chứa hương đạo vị của các anh, và nhìn cách các anh chia sẻ, phát biểu, ứng xử trong cuộc sống hàng ngày với anh chị em áo Lam, với đời thường như là những mẫu mực của những cây đại thụ màu Lam để cho chúng em lắng nghe, suy gẫm và  học hỏi.

 Anh Đồng Trí Châu Lộc kính mến,

Khi nghĩ đến anh, chúng em trước tiên nghĩ đến một người anh chí thành tin Phật, một lòng phụng sự chánh pháp. Sinh ra trong một gia đình có truyền thống Nho học và Phật học, Anh đã đến với Đạo từ thời còn ấu niên, đó là năm 1944, và Gia Đình Phật Hóa An Lăng chính là mái ấm tâm linh đầu tiên của anh. Cũng tại mái ấm tâm linh này anh đã trưởng thành dần lên, rồi đảm nhận chức vụ cao nhất là Liên Đoàn Trưởng. Rồi anh tham gia vào Ban Hướng Dẫn GĐPT Thừa Thiên với cương vị là Ủy viên ngành Thiếu nam, và giữ thêm chức vụ Trưởng Ban Đại diện GĐPT Quận Hữu Ngạn. Anh đã tham gia một cách hăng hái và tận tâm tận lực tất cả các hoạt động Phật sự của tổ chức áo Lam dưới sự lãnh đạo của anh Trưởng ban Nguyên Ngộ Nguyễn Sĩ Thiều cho đến ngày anh nhắm mắt.

Anh là tấm gương về sự tu tập. Anh đã từng dặn dò chúng em rằng “Bản thân mình phải có tu, có hành thật sự thì mới có thể tề gia, mới có thể Phật hóa gia đình được. Làm thế nào đó sau khi mình có uy tín của mình rồi, tự mình tu tập, tự mình nghiên cứu rồi thì đem ra phục vụ gia đình, phục vụ Đạo pháp ». Chính sự tận tụy với đạo pháp, với tổ chức áo Lam mà trong mùa An cư  năm 2005 tại buổi thuyết trình đề tài Trần Nhân Tông tổ chức tại chùa Thuyền Lâm dành cho hàng huynh trưởng cấp Tấn để chuẩn bị cho Hội thảo toàn quốc. Anh đã dồn hết trí tuệ công phu của mình để trình bày đề tài, anh đã bất ngờ buông tay lúc còn nguyên y phục Phật tử trên những trang giấy thuyết trình còn dang dở mà anh đã công phu nghiên cứu biên soạn suốt mất tuần trước đó. Rồi anh nằm để thời gian cứ trôi qua, cho đến hôm nay anh mới thật sự chia tay gia đình, chia tay Lam viên chúng em. Đó chính là tấm gương sáng nhất của anh để lại cho chúng em, tấm gương vì Đạo hy sinh, vì Tổ chức dâng hiến cả cuộc đời mình cho đến giây phút cuối cùng.

Anh Đồng Trí Châu Lộc kính mến,

Khi nghĩ đến anh, chúng em luôn tự hào có được ngừời anh trưởng luôn luôn kiên định lập trường với tổ chức GĐPT. Lập trường ấy không thể nào bị lay chuyển bởi bất cứ hoàn cảnh nào,và với bất kỳ lý do gì. Lập trường đó được xây dựng trên tôn chỉ mục tiêu của Tổ chức GĐPT Việt Nam, đó là “ đào luyện thanh thiếu đồng niên  thành Phật tử chân chính, góp phần xây dựng xã hội theo tinh thần Phật giáo”. Phẩm chất ấy nói ra thì có vẻ chữ nghĩa khuôn sáo, nhưng kỳ thực đối với những gì mà anh đã làm cho tổ chức GĐPT trong thời gian qua thật to lớn, thật quý giá, và đáng trân trọng. Đối với anh, cũng như chúng em, tổ chức GĐPT là một tổ chức thuần túy tôn giáo, có tôn chỉ, có hệ thống quản trị, mọi hoạt động mọi quyết định phải tuân thủ các nguyên tắc đã được quy định trong Nội quy và Quy chế. Dù bất cứ hoàn cảnh nào, phải gìn giữ cho được những tính chất trong sáng ấy thì mới mong có được một tổ chức GĐPT đẹp và sáng, xứng đáng mang trên mình vẻ đẹp của Chánh pháp và đủ tư cách góp phần đưa ánh sáng của Đạo đến với dân tộc, với cuộc đời. Anh luôn tự tin và tự hào với niềm tin ấy, và thể hiện niềm tin của mình thông qua việc sinh hoạt với Ban Hướng Dẫn truyền thống mà người lãnh đạo cao nhất của tổ chức hiện nay là huynh trưởng cấp Dũng Nguyên Tín Nguyễn Châu. Anh là người khẳng khái, trực tính, chỉ biết suy nghĩ nói năng và ứng xử đúng với hướng đi của mình. Cộng với trí  tuệ Phật học đã được công phu tu học và hành trì suốt mấy mươi năm, anh luôn chứng tỏ mình là một huynh trưởng thuần thành của tổ chức GĐPT, một thạch trụ trung kiên trong ngôi nhà áo Lam.  Anh chị em trong tổ chức GĐPT Thừa Thiên hôm nay đang quây quần bên anh chính là để tán dương phẩm chất trung kiên của anh, và cũng để động viên chính mình, cố gắng tiếp bước theo anh trên con đường tu học và phục vụ Đạo pháp và tổ chức.  Anh xứng đáng với bốn chữ vàng TIỀN HẬU NHẤT NHƯ, mà Thượng tọa Thích Thái Hòa, cố vấn giáo hạnh GĐPT Việt Nam đã khen tặng, và được anh chị em GĐPT Thừa Thiên trân trọng thương mến đưa vào khung thêu để kính tặng anh trong buổi cảm niệm hôm nay.

 Anh Đồng Trí Châu Lộc kính mến,

Nghĩ đến anh, chúng em nghĩ đến một người anh luôn luôn gần gũi với đoàn sinh,  biết tổ chức và vận dụng các sinh hoạt phù hợp với đoàn sinh, và là người có lòng từ bi rộng lớn. Là huynh trưởng, anh thường xuyên tiếp xúc với các đoàn sinh và lắng nghe tâm tư tình cảm của các em. Nụ cười của anh trông thật nhân hậu ai nhìn cũng thấy an vui, chia sẻ. Anh đã từng dặn do các em rằng “làm huynh trưởng chúng ta phải thương yêu đùm bọc các em của mình. Làm Huynh trưởng là mình làm chiếc chiếu cho các em mình nằm ».Vì gần gũi được các em, hiểu được các em, nên anh thường chủ động tổ chức các hoạt động Phật sự giúp các em vừa tu học vừa có những hình thức vui chơi phù hợp và lành mạnh. Em còn nhớ mãi, trước năm 1975, tại Đoàn quán của GĐPT An Lăng, một lớp tiếng Anh từ thiện đã được tổ chức với giảng viên là huynh trưởng của GĐPT An Lăng, và lúc đó anh là Liên Đoàn trưởng. Ngoài những hoạt động Phật sự như thế, anh còn là một lương y về nhân điện. Với khả năng y thuật của mình, anh đã phát tâm cứu chữa từ thiện cho những ai muốn đến nhờ anh giúp đỡ. Thời gian trước khi anh bị bệnh, hàng ngày luôn có khách từ bốn phương đến tư gia nhờ cậy bàn tay nhân điện đầy tình nhân ái của anh. Anh cứu người không biết mệt, anh giúp người không phân biệt. Có khi có những bệnh nhân vì điều kiện sức khỏe không thể đến dược tư gia của anh, anh hoan hỷ đích thân đạp xe đến nhà của những bệnh nhân ấy để cứu chữa. Đó là trái tim của anh Đồng Trí Châu Lộc, trái tim của trí tuệ Đại thừa của tâm bồ đề cao quý.

Trong mấy ngày tổ chức tang lễ anh, láng giềng không sót một ai là không đến thăm anh. Có rất nhiều người trong thời gian khó khăn nhất anh đã từng giúp đỡ, và giờ đây mặc dù ở xa, họ vẫn đến để tiễn biệt anh. Tâm từ bi của anh được thể hiện như thế đó.

Anh Đồng Trí Châu Lộc kính mến,

Nghĩ đến anh chúng em nghĩ đến một gia đình trong đó người chồng, người vợ cũng như những người con, người dâu và người rễ là những bông hoa đẹp. Mỗi khi chúng em đến thăm anh chị, chúng em đều thấy một sự trân trọng mến khách từ anh chị cho đến các anh chị em trong nhà. Nhìn bàn thờ luôn được chăm lo sạch sẽ, trang nghiêm, chúng em biết được nền nếp sinh hoạt của gia đình. Anh đã khéo chọn người bạn đời của mình. Thật khó để chúng em dung những mỹ từ nói về chị. Rằng chị là một người vợ thủy chung, một lòng thương yêu chồng, rằng chị là một Phật tử chí tâm chí thành, luôn thâm tín với Tam Bảo, biết cách Phật hóa gia đình, biết cách thay anh để hành thiện phụng trì chánh pháp. Trong thời gian qua, chính chị là người đảm đương trong mọi công việc, nhất là việc chăm sóc cứu chữa cho anh. Chị không màn đến sức khỏe, không ngại nắng mưa, không kể tốn kém.

 Chúng em hiếm thấy một gia đình nào mà tất cả các con, dâu và rễ đều một lòng hiếu kính trên thuận dưới hòa như gia đình của anh chị. Chúng em biết rằng để lo chạy chữa cho anh, cần thiết phải có những điều kiện, và đẹp thay những người con, người dâu, người rễ của anh, các anh chị ấy đã đứng bên mẹ để cùng lo cho anh, cả tinh thần lẫn vật chất. Chỉ cần thấy những gì mà chị và toàn gia đình lo cho anh trong thời gian qua thì có thể hiểu được hai chữ hiếu kính với đầy đủ ý nghĩa của nó. Đó là sự hiếu kính xuất phát từ tình thương. Chị thương anh, các con, cháu, dâu rễ đều thương anh.  Sư cô Thích Nữ Quảng Nghiêm, con gái của anh, đã thể hiện chữ Hiếu một cách trọn vẹn qua thời gian có mặt tại Việt Nam để chăm sóc anh dù có những lúc do công việc Phật sự nên không được ở gần anh, nhưng sư cô đã kể với chúng em rằng, hễ đặt chân đến được một đất nước nào, thì công việc đầu tiên của sư cô là hỏi thăm về phương thuốc hay cách chữa trị bệnh cho anh.

Trong thời gian anh nằm trên giường bệnh, ngoài những người thân trong gia đình, chư tôn đức tại Thừa Thiên cũng như khắp nơi trong và ngoài nước đều quan tâm đến anh. Hòa thượng Thích Chơn Trí, trú trì chùa Thuyền Lâm, khi nào gặp anh chị em trong Ban hướng dẫn Thừa Thiên cũng hỏi thăm đến sức khỏe của anh. Thầy Thích Thái Hòa, cố vấn giáo hạnh của GĐPT ViệtNamthường xuyên thăm hỏi bệnh tình của anh và  thúc đẩy anh chị em trong Ban hướng dẫn về thăm anh.  Anh chị em  áo lam trong nước cũng như trên thế giới khi nghe tin anh bị bệnh đều thường xuyên liên lạc hỏi thăm, hễ anh chị em nào có điều kiện là đến tại tư gia thăm anh. Anh trưởng ban Nguyên Tín Nguyễn Châu cùng các anh chị trong Ban Hướng Dẫn Trung ương đã đến thăm anh. Anh Châu đã đứng bên anh, nắm lấy tay anh thật lâu như để truyền thêm cho anh ngọn lửa Áo Lam, ngọn lửa của tinh thần Bi Trí Dũng luôn cháy sáng kể cả khi ta đang gặp nguy nạn.  Áo Lam Thừa Thiên trong thời gian qua, những người đang sinh hoạt với anh cũng như những người không còn sinh hoạt với anh, tất cả đều hướng về anh, đều mong cho anh mong khỏi để trở lại sinh hoạt với đàn em. Chị Nguyên Tuệ khi đến thăm anh, nhìn anh cứ nằm hoài im lặng trên giường đã cảm tác bài thơ sau đây:

                                                                                                                              TÌM ANH

Anh ơi!

Mùa hạ đã qua rồi!

Anh ơi!

Mùa đông đang dần đến

Anh ơi!

Sao anh vẫn lặng yên

Mặc nhiên nằm tĩnh lặng

Da Anh hồng trắng sang

Tóc vẫn trắng màu tiên

Nhưng Anh ơi! Sao vây?!

Anh cứ nằm ngủ yên

Để đàn em xa xót

Gọi mãi tên Anh hiền.

Anh ơi!

Nằm  yên chi lắm thế!

Hãy thức dậy đi Anh!

Con van cầu Chư Phật

dẫn dắt Anh quay về

cùng đàn em ca hát,

bên mái ấm nhà Lam.

Hôm nay anh chị em áo Lam Thừa Thiên đang tụ hội về đây bên anh, vậy chúng ta hãy cùng nhau hát bài CHIM BỐN PHƯƠNG anh nhé, bởi khi chúng ta cùng hát bài này, chúng em sẽ tưởng tượng anh và các anh chị đã khuất là những  cánh chim đang có mặt đâu đó quanh đây với chúng em.

Chúng ta là chim

bốn phương bay về đây

về đây chúng ta

sống trong Đạo thiêng

Chúng ta là hương

gió mang đi ngàn phương

nguyên đem gieo rắc

khắp nơi ánh vàng.

Anh Đồng Trí Châu Lộc kính mến

Thế là anh em mình sắp sửa xa nhau. Ngày mai anh sẽ lên đường. Chúng em thành tâm cầu nguyên Muời phương chư Phật phóng đại hào quang tiếp độ hương linh anh. Đứng trước anh, trong giờ phút chia tay này, anh chị em áo lam Thừa Thiên xin hứa với anh sẽ nguyện tinh tấn tu học, phụng trì chánh pháp, cố gắng bước theo con đường áo Lam của anh và các anh chị đi trước, quyết không sờn lòng, quyết không thối chuyển.

Bài thơ sau đây là bông hoa mà mỗi Lam viên Thừa Thiên xin dâng tặng anh. Đó cũng là bông hoa của Lam viên Việt Nam và thế giới nhìn về anh, về những phẩm hạnh của anh, những phẩm hạnh ấy sẽ sống mãi với lịch sử màu Lam.

 Lam nguyên

Tên anh Đồng Trí mãi còn

suốt đời chánh Đạo sắc son một lòng

vững vàng đứng giữa bão giông

thuyền chông chênh hướng quyết không lệch chèo.

Bến mơ nước vẫn trong veo

cội nguồn anh đến trăng treo đón chào

tóc xanh cho đến bạc đầu

trong tim anh chỉ một màu Lam nguyên.

Tạm biệt anh, chúng em luôn nhớ một người  anh cả áo Lam, hàng ngày đi lại trên chiếc xe đạp đua, luôn nở nụ cười hoan hỷ với mọi người. Mái tóc anh bạc trắng, màu trắng của sự thuần khiết không pha tạp, không biến sắc, màu trắng ấy như muốn nói rằng trong tim anh, chỉ có một màu Lam duy nhất, một màu Lam tinh khiết trước sau như một.Đó là chính là màu Lam nguyên.

 Nam mô tiếp dẫn Đạo sư A Di Đà Phật.

BHD GĐPT THỪA THIÊN

Bài khác nên xem

Lễ Húy Nhật lần thứ 26 cố Huynh Trưởng cấp Dũng Như Tâm Nguyễn Khắc Từ

phuocthanh

Viếng tang thân mẫu của HTr Chúc Lạc Phan Duy Xuân – Phụ tá UV Văn nghệ BHD.TƯ

Huệ Quang GĐPTVN

Hình ảnh lễ tang cố HTr cấp Dũng Quảng Thừa-Tôn Thất Phú (nguyên Trưởng BHD.GĐPT Cam Ranh)

Huệ Quang GĐPTVN