Bát Chánh Đạo

 Tài liệu Tu học Ngành Thiếu – Bậc Trung Thiện

do BHD Trung Ương GĐPT Việt Nam tu chỉnh năm 2006 – PL 2550 )

 

A. GIỚI THIỆU :

Lúc chuyển pháp luân Đức Thế Tôn thuyết về việc xa lìa 2 bên dục lạc và khổ hạnh, đi theo con đường Trung đạo tức chỉ cho Bát Chánh đạo này. Và trong thời pháp Tứ Đế do Đức Bổn sư thuyết giảng cho 5 anh em ông Kiều Trần Như tại vườn Lộc Uyển, Bát Chánh Đạo lại được Đức Thế Tôn nêu lên như là tám con đường tu học chân chánh, đó là : chánh tri kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm và chánh định.

B. NỘI DUNG :

     I. ĐỊNH NGHĨA :

Bát Chánh Đạo là con đường tu học chân chánh gồm tám yếu tố mà con người cần phải tự mình tuân thủ mới đem lại lợi lạc trên con đường tu tập cho chính bản thân cũng như xã hội, đó là : chánh tri kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm và chánh định. Là pháp môn thực tiển đại biểu nhất trong ba mươi bảy phẩm trợ đạo của Phật giáo, tức là 8 phương pháp hoặc 8 đường tắc chính xác hướng thẳng đến Niết bàn giải thoát.

Theo kinh “ Phân biệt Thánh Đế ”, “ Trung A hàm 7 ”, “ Luận Tứ đế 4 ”, “ Luận Đại Tì-bà-sa 9 ” thì Bát Chính đạo còn gọi là Bát Thánh đạo, Bát chi thánh đạo, Bát thánh đạo phần, Bát đạo hạnh, Bát trực hạnh, Bát chính, Bát đạo, Bát chi, Bát pháp, Bát lộ. Là Tám thứ chính đạo cầu Niết bàn.

II. HÀNH TƯỚNG CỦA BÁT CHÁNH ĐẠO :

1.  Chánh Kiến ( Chánh tri kiến ) :

Là kiến thức chân chánh. Nghĩa là sự nhận thức sáng suốt và hợp lý như :

–   Nhận thức được những lý duyên sinh, vô thường, vô ngã.

–   Nhận thức được những quả báo của hành động, của thân, ý.

–   Nhận thức được sự sống của mình, của người có liên hệ mật thiết với nhau, với cả toàn bộ vũ trụ rộng lớn.

–   Nhận thức được các pháp thiện, bất thiện ……

Trái với Chánh Kiến là Tà Kiến, là nhận thức sai lầm :

–   Cho sự hiện hữu của tự thân và hoàn cảnh đều là tự nhiên không có quả báo cùng nhiều duyên khác tập hợp.

–   Chấp có thượng đế tạo vật  rồi phủ nhận nhân quả nghiệp báo.

–   Chủ trương định mệnh rồi phủ nhận kết quả hạnh nghiệp.

–   Quan niệm giai cấp làm gián cách giữa người và người, giữa người và muôn vật.

–   Cố chấp thành kiến quan niệm, phân biệt phải trái.

–   Chấp theo thần thoại mê tín dị đoan.

2.  Chánh Tư Duy :

Suy nghĩ chân chánh. Nghĩa là suy nghĩ không trái với lẽ phải, có lợi cho mình và cho người :

–   Suy nghĩ với định huệ để tu tập giải thoát.

–   Suy nghĩ nguyên nhân đau khổ của chúng sanh để giải thoát và khuyến tu.

–   Suy nghĩ những hành vi lỗi lầm và tâm niệm xấu xa để sám hối cải đổi.

Chánh tư duy cũng gọi là chánh dục, nghĩa là mong muốn chân chánh, trái lại là tà tư duy và tà dục vọng :

–   Suy nghĩ tà thuật để làm mê hoặc lòng người.

–   Suy nghĩ những phương cách sâu độc, để đi ám hại mọi người, mọi loài.

–   Suy nghĩ mưu cơ để trả thù, trả oán.

–   Suy nghĩ về tài sắc, danh vọng.

3.  Chánh Ngữ :

Lời nói chân chính ngay thật, có lợi ích chính đáng :

–   Lời nói thành thật và sáng suốt.

–   Lời nói ngay thẳng, hợp lý không thiên vị.

–   Lời nói hoà nhã, rõ ràng và giãn dị.

–   Nói lời lợi ích, dung hòa, gây cảm thông giữa mọi người, khuyến tấn và duy nhất.

Trái với Chánh Ngữ là Tà Ngữ, là lời nói không chánh đáng, có tổn hại đến đời sống cùng danh dự mọi người :

–   Nói dối trá, máy móc không đúng sự thật.

–   Nói không ngay thẳng, thiên vị, dua nịnh, xuyên tạc, ngụy biện.

–   Nói sâu độc, đay nghiến, nguyền rủa, nhiếc mắng vu họa và thô tục.

–   Nói chia rẽ có di hại.        

4.  Chánh Nghiệp :

Hành động chân chính, nghĩa là hành vi động tác cần phải sáng suốt chân chánh có lợi ích :

–   Hành động theo lẽ phải, biết tôn trọng quyền sống và hạnh phúc chung của mọi người và mọi loài.

–   Tôn trọng nghề nghiệp và tài sản của mọi người không lăng đoạt xâm phạm.

–   Giữ hạnh thanh tịnh chân chánh, không đàng điếm trác táng.

–   Biết phục vụ chức nghiệp và tận tâm với việc làm.

–   Biết hy sinh chánh đáng để giải thoát nổi khổ cho mình và cho mọi người.

Trái với Chánh Nghiệp là Tà Nghiệp như sát sanh, trộm cắp, lừa đảo….

–   Sát hại, tàn bạo.

–   Sống xa hoa, trác táng.

–   Trộm cắp xâm đoạt.

–   Sáng chế khí cụ mãnh lợi để sát hại.

–   Chế hóa vật giá để dối gạt người.

–   Lợi dụng văn nghệ để kích thích sự đàng điếm ăn chơi trác táng.

5.  Chánh Mạng :

Phương thức mưu sinh chân chánh, nghĩa là làm những nghề lương thiện, không bạo tàn, không dối gạc xảo trá, hèn mạc ……

–   Tận lực làm việc để sinh sống, nhưng không tổn hại đến người và vật.

–   Đem tài năng chân chính để sinh sống chứ không giả dối, máy móc, lường gạt mọi người.

–   Sống thanh cao không lòn cúi vô lý.

–   Sống đúng chánh giáo không mê tín dị đoan.

Trái với Chánh Mạng là Tà Mạng :

–   Cày  cuốc ruộng vườn nhưng coi thường sinh mạng chúng sinh ( người xuất gia không nên làm ).

–   Xem sao tính vận và ướt đạt thời tiết thay đổi, tinh tú thiết di để sinh sống.

–   Chiều chuộng quyền quý, dùng miệng lưỡi làm trung gian giao dịch để sinh sống.

6.  Chánh Tinh Tấn :

Siêng năng tu học, làm những việc chân chính có lợi cho mình và cho người :

–   Thấy mình có tội ác siêng năng sám hối trừ bỏ.

–   Tội ác và lỗi lầm chưa sanh, siêng năng tu tập các pháp lành để giữ gìn ngăn đón.

–   Thấy mình chưa có phước nghiệp, siêng năng và cố gắng đào tạo phước nghiệp.

–   Đã có phước nghiệp, siêng năng tu trì để tiến triển thêm lên .

Trái với Chánh Tinh Tấn là Tà Tinh Tấn như siêng đi bài bạc, rượu chè ……

–   Siêng năng đi sát hại.

–   Siêng năng gian xảo trộm cắp.

–   Siêng năng đàng điếm.

–   Siêng năng dối trá, hiểm độc, xuyên tạc và dua nịnh.

–   Siêng năng rượu chè, cờ bạc, ca kỹ.

7.  Chánh Niệm :

Nhớ nghĩ  Chân Chánh. Có hai thứ nhớ nghĩ : Chánh Ức Niệm là nhớ nghĩ đến cảnh quá khứ; Chánh quán niệm là quán sát cảnh hiện tại và sắp đặt, tưởng tượng cảnh tương lai.

* Ức niệm có 2 :

a. Ức niệm chân chính :

–   Nhớ ơn cha mẹ, thầy tổ để báo đáp.

–   Nhớ ơn nước nhà để phụng sự sáng suốt.

–   Nhớ ơn chúng sanh giúp dỡ để đền trả.

–   Nhớ ơn Tam bảo để tu hành.

–   Nhớ lỗi lầm xưa để sám hối lại mà cải đỏi.

b. Ức niệm không chân chính :

–   Nhớ lại khuyết điểm của người để phê bình chế diểu.

–   Nhớ lại oán hận cũ để phục thù.

–   Nhớ lại dục cảnh xưa để hoan lạc, thỏa thích và bồi trợ dục tâm.

–   Nhớ lại hành động xảo trá và tàn bạo vừa qua để hảnh diện, tự đắc.

* Quán niệm có 2 :

a. Quán niệm chân chính :

  • Quán niệm từ bi : cảnh đời tật bệnh, khổ, cô quả và tối tăm của chúng sanh, trong hiện tại và cả tương lai vô số tai nạn xảy ra, sanh tâm thương xót, giúp đỡ và tìm phương đề phòng che chỡ.
  • Quán niệm trí tuệ : nguyên nhân sanh hóa của vũ trụ vạn vật, hữu tình, vô tình oán thân, tốt, xấu v.v….để tu và khuyến giáo được rõ ràng, thuận lợi, giải thoát.

b. Quán niệm không chân chánh :

–   Nhớ nghĩ tài sản, danh vọng.

–   Nhớ nghĩ phương tiện sát hại.

–   Nhớ nghĩ độc kế, thâm mưu.

–   Nhớ nghĩ văn từ xảo trá.

–   Nhớ nghĩ cao lương mỹ vị.

8.  Chánh Định :

Tu đúng theo giáo pháp Phật dạy, phải thọ giáo với minh sư :

–   Bất tịnh quán : quán sát các pháp không thanh tịnh để trừ tham dục si ái, . .. .

–   Từ bi quán : quán sát tất cả hữu tình chúng sanh đồng một chân tâm bình đẳng, không khác, để tăng trưởng kỉnh tâm và thương xót cứu độ đoạn trừ tâm hận thù.

–   Nhân duyên quán : quán sát tất cả các pháp hữu hình như sự vật, vô hình như tâm niệm, lớn như núi sông, nhỏ như vi trần nếu có một pháp riêng đều là giả hợp duyên sanh không chân thật, trường tồn, để đoạn trừ ngu si, thiên chấp.

–   Giới phân biệt quán : phân biệt và quán sát sự giả lập của 18 giới ( 6 căn + 6 trần + 6 thức ) để thấy không thật có ngã pháp, mục đích trừ ngã chấp và phá chấp.

–   Sổ tức quán : quán hơi thở ra vào để đối trị với tâm tán động, ly loạn.

Trái với Chánh định là Tà định :

–   Tu diệt tận định (diệt hết 7 hiện hành của thức) cầu chứng quả Niết bàn giả danh.

–   Tu Vô tưởng định ( diệt hết hiện hành của 6 thức trước ) cầu an vui các cõi trời ngoại đạo.

–   Tu thuyền định để luyện đơn, vận khí . . . cầu thần thông, trường sanh, pháp lạ, tu, tiên ngoại đạo.

C. SUY NGHIỆM :

Bát Chánh đạo là pháp môn chính yếu được Đức Thế Tôn nhắc nhở đến nhiều nhất trong các kinh, trong thuyết Tứ Đế, Bát Chánh đạo là phần căn bản của Đạo đế. Đặt tính của Bát Chánh đạo là quy định những nguyên tắc phổ quát cho mọi tầng lớp dân chúng và nó phù hợp căn cơ của mọi người, mọi thời đại, phương sở. Trong Bát Chánh đạo đã bao quát hết tất cả mọi pháp khác bao gồm ba nguyên tắc căn bản Giới, Định, Tuệ : Chánh Ngữ, Chánh Nghiệp, Chánh Mạng thuộc về Giới. Chánh Tinh Tấn, Chánh Niệm, Chánh Định thuộc về ĐịnhChánh Kiến, Chánh Tư Duy thuộc về Tuệ.

Ngoài ra Bát Chánh đạo còn vượt lên trên những ước thúc của giới luật, nhằm phát huy mọi diệu dụng, theo với mọi phương tiện sinh họat để vươn thẳng tới chủ đích giải thoát. Vì vậy mà Bát Chánh đạo trở thành một pháp môn thực tiển có thể thực hành trong hoàn cảnh xã hội của thời đại chúng ta hiện nay.

D. ỨNG DỤNG VÀTU TẬP :

Thấy rằng thực hành Bát Chánh Đạo là cải thiện tự thân và từ đó cải thiện xã hội để thực hiện lý tưởng Gia Đình Phật Tử nên em quyết tâm thực hành pháp tu này.

Trước hết thực hành trong từng lời nói, ý nghĩ và hành động của mình. Đắn đo trứơc khi nói, kiểm soát từng ý nghĩ coi thử đã chánh chưa ? Hễ thấy tà một chút, ngụy một chút thì phải nghiêm khắc kiểm soát mình, tự phê bình và thành tâm sám hối. Việc làm này không phải mỗi ngày 1, 2 lần mà phải gần như luôn luôn. Nguyện luôn luôn giữ gìn Chánh Niệm, luôn luôn tỉnh thức để biết mình đang làm gì, nghĩ gì, nói gì… những ý nghĩ, lời nói, hành động ấy có đúng chánh pháp chưa ?

Khi vào đời, áp dụng Bát Chánh Đạo vào bình diện lớn là chính cuộc sống của bản thân mình. Từ nghề nghiệp, cách xử thế, cách chọn bạn… đã đi vào 8 con đường chân chánh chưa ? Chỗ nào chưa phải chỉnh lại, nếu không, sai một ly sẽ đi một dặm, ảnh hưởng tới sự tu học hướng thượng của mình.

Thực hành Bát Chánh đạo để cải tạo tự thân, làm nhân địa để cải tạo hoàn cảnh xã hội, thực hiện lý tưởng của Gia Đình Phật Tử Việt Nam.

 Câu hỏi

  1. Định nghĩa Bát Chánh Đạo và nói nội dung ?
  2. Trong Bát Chánh Đạo, “ Chánh ” nào là quan trọng và can thiết nhất ? Tại sao?
  3. Tại sao nói Bát Chánh Đạo là pháp môn tu dựa trên cơ sở Giới, Định, Tuệ ?
  4. Tại sao thực hành Bát Chánh Đạo thì có thể cải thiện tự thân và hoàn cảnh xã hội nữa ?
  5. Em có nghe : “ Bát Thánh Đạo ” không ? Có phải nội dung như Bát Chánh Đạo ta đang học ở đây ? Nhưng tại sao gọi là “ Bát Thánh Đạo ” ?

Bài khác nên xem

Khái lược Phật giáo Việt Nam thời đại : Đinh – Lê – Lý – Trần

datthinh

Ba thứ độc : Tham – Sân – Si

datthinh

SINH HOẠT HẬU TRẠI HUYỀN TRANG VI.TƯ-MKH

Tâm Lễ