Các Huynh trưởng và Đoàn sinh GĐPT đã hy sinh cho đạo pháp và dân tộc


( Tài liệu Huấn Luyện Huynh Trưởng Sơ Cấp – Lộc Uyển

do BHD Trung Ương GĐPT ViệtNamtu chỉnh năm 2001 – PL.2545 )

 

I. DUYÊN KHỞI :

Phật giáo đã một thời hưng thịnh qua các thời đại Đinh – Lê – Lý – Trần  nhưng cũng có những lúc suy yếu như giữa thế kỷ thứ 18.

Phong trào chấn hưng Phật giáo do Thiền Sư  Khánh Hòa, Minh Chiếu khởi xướng vào năm 1920 đã lan dần ra Trung, các Ngài Giác Tiên, Tịnh Hạnh, Tịnh khiết, Tăng Cang Phước Huệ, cư sĩ Tâm Minh Lê Đình Thám … nhiệt liệt hưỡng ứng. Năm 1932-1933 phong trào tiến dần ra miền Bắc. Các cơ cấu hội đoàn, đoàn thể Phật giáo lần lược hoạt động mạnh mẽ, trong đó có tổ chức Gia Đình Phật Hóa Phổ là tiền thân của Gia Đình Phật Tử  ngày nay.

Gia Đình Phật Tử Việt Nam sinh ra và lớn lên giữa lúc đất nước đang bị bom cày đạn xới dân tộc Việt nam bị đe dọa diệt vong bởi những vũ khí tới tận từ bên ngoài ồ ạt đưa vào chiến trường, cuộc chiến mỗi lúc mỗi căng thẳng, khốc liệt, đất nước chia đôi hai miền.

                  Tại Miền Nam lên cơn pháp nạn do chế độ Ngô đình Diệm chủ chương chính sách kỳ thị tôn giáo, đã ra lệnh triệt hạ Giáo kỳ trong mùa Phật Đản năm 1963.

II. TINH THẦN DŨNG CẢM CỦA NGƯỜI PHẬT TỬ :

Vì hòa bình xứ sở, vì Dân tộc và Đạo pháp, người Phật tử chúng ta phải chung lưng đấu cật và cùng chịu nổi đau chung  với mọi tầng lớp dân chúng đã kéo dài trên 30 năm.

Để làm tròn sứ mệnh thiêng liêng ấy, chúng ta đã trải qua không biết bao nhiêu thử thách, gian nguy đã bị chụp mũ đủ thứ, đã bị bắt bớ, đánh đập, tù đầy, lưu vong, ám hại, chúng ta đã đóng góp phần mồ hôi, nước mắt, xương máu.

Trong cơn pháp nạn, không những các hàng Tăng Ni đã hơn chục vị đã hy sinh như HT Thích Quảng Đức. Thích Nguyên Hương …. Thích Nữ Diệu Quang mà ngay cả đến những đầu xanh tuổi thơ cũng phải quên mình vì đạo pháp.

Chính sách đàn áp Phật giáo đã thấy rõ từ đầu năm 1962, một số Tăng Ni đã bị khủng bố, một số phật tử thuần thành bị thủ tiêu, điển hình nhất là anh Phan Duy Trinh pháp danh Tâm Khiết sinh năm 1925 tại Huế, đã bị một nhóm đảng viên cần lao của ngô Đình Diệm lợi dụng đêm tối chận bắt anh trên đường viếng thăm Gia Đình Phật Tử Phú Thạnh và Gia Đình Phật Tử An Hòa về khuya ở Kim Long đánh chết ngay tại chổ đêm đó là 18/4 /Al(1955). chúng đã theo dõi anh từ lâu bởi vì anh là người phát động thành lập 3 Gia Đình Phật Tử Kim An, Phú Thạnh, An Hòa, phong trào đang lớn mạnh, được quần chúng rất cảm mến anh.

Đêm kinh hoàng tại đài phát thanh Huế.

Tuần lễ Phật Đản ở Huế năm 1963, tất cả Phật giáo đều treo cờ, thắp đèn, thiết trí hương án đón mừng ngày Đại lễ thì chính quyền Ngô đình Diệm ra lệnh triệt hạ cờ Phật giáo làm dân chúng xôn xao và vô cùng phẫn uất.

Tối 15/4/AL (1963) Phật giáo đồ Thừa Thiên tụ tập trước đài phát thanh Huế để nghe phát thanh tại buổi lễ Phật Đản như mọi năm trước và để theo dõi kết quả cuộc hội kiến giữa các vị đại diện Phật giáo và chính quyền để giải quyết việc cấm treo cờ Phật giáo thì chính quyền đã ra lệnh Thiếu tá Đặng Sĩ đem quân đội, xe bọc thép kéo đến đàn áp vô cùng dã man, làm hàng chục người thiệt mạng, hàng chục người bị thương nặng, trong đó có tám em đòan sinh thuộc Gia Đình Phật Tử Thừa Thiên chết ngay tại chỗ, đó là các em : Đặng Văn Công, Trần Thị Phước Trí, Nguyễn thị Yến, Huyền tôn nữ Tuyết Hoa, Lê Thị Kim Anh, Dương Văn Đạt, Nguyễn Thị Ngọc Lan, Nguyễn Thị Phúc, tuổi đời chỉ từ 12-20.

Để tưởng niệm chư vị VỊ PHÁP VONG THÂN Gia Đình Phật Tử Thừa Thiên cho xây dựng đài Thánh Tử Đạo ngay cạnh đài phát thanh Huế.

Vụ thảm sát tại đài phát thanh Huế đã gây xúc động lớn lao không những trong giới Phật giáo mà cả mọi tầng lớp dân chúng trong nước và cả thế giới đều lên án  gắt gao.

            Ủy ban Liên phái bảo vệ Phật giáo ra đời, đã được mọi tầng lớp dân chúng hưởng ứng, nhiều nước trên thế giới cũng ủng hộ. Liên tiếp nhiều cuộc biểu tình bất bạo động. Tăng ni Phật tử tuyệt thực, đình công bãi thị, trường học bãi khóa, khắp mọi nơi yêu cầu chính quyền Ngô Đình Diệm thực thi năm nguyện vọng chính đáng của Phật giáo :

  1. Yêu cầu chính phủ Việt Nam Cộng Hòa thu hồi vĩnh viễn công điện triệt hạ cờ Phật giáo.
  2.   Yêu cầu Phật giáo phải được hưỡng một chế độ đặc biệt như các hội truyền giáo Thiên chúa đã được ghi trong đạo dụ số 10.
  3. yêu cầu chấm dứt tình trạng bắt bớ, khủng bố tín đồ Phật giáo.
  4. yêu cầu cho Tăng Ni Phật Tử  được tự do truyền đạo và hành đạo.
  5. Yêu cầu chính phủ đền bồi một cách xứng đáng cho những kẻ chết oan vô tội và kẻ chủ mưu giết hại phải đền tội xứng đáng.

Cuộc vận động bất bạo động đòi chính quyền bãi bỏ chính sách kỳ thị tôn giáo mỗi ngày một căng thẳng, tất cả chùa chiền đều bị phong tỏa, dây kẽm gai và lực lượng cảnh sát, quân dội ngày đêm giăng khắp các nẽo đường đến chùa, Tăng Ni Phật Tử bị đánh đập, bắt bớ khắp nơi.

QUÁCH THỊ TRANG sinh năm 1948 tại Thái Bình, Bắc việt, sinh hoạt tại Gia Đình Phật Tử Minh Tâm Sài Gòn đã tham gia cuộc biểu tình của nhiều đoàn thể Phật giáo đã diễn ra trước chợ Bến Thành Sài Gòn ngày 25/8/1963 để yêu cầu chính quyền thả ngay tất cả các Tăng Ni Phật Tử đã bị bắt trong cuộc tấn công vào các chùa chiền khắp toàn miền Nam cùng một đêm 20/8/1963 bị cảnh sát Đô Thành Sài Gòn đàn áp vô cùng dã man, nhiều loạt đạn của cảnh sát bắn tới tấp vào đoàn biểu tình, em QUÁCH THỊ TRANG đã gục chết ngay tại chổ.

Ngày nay cứ đi ngang qua chợ Bến Thành Sài Gòn nhìn tượng đài Quách Thị Trang trên bùng binh trước cổng chợ mà không khỏi ngậm ngùi thương tiếc và bái phục lòng dũng cảm đại nghĩa quên mình của người con gái tuổi 15.

Ngày 01/11/1963 quân đội Việt Nam Cộng Hòa do tướng Dương Văn Minh càm đầu đã hưỡng ứng ý nguyện của nhân dân vùng lên lật đổ chế độ bạo quyền Ngô Đình Diệm. Quốc Trưởng Dương Văn Minh mới nhậm chức chưa đầy bốn tháng thì bị tướng Nguyễn Khánh cướp chính quyền, lại tiếp tục đàn áp Phật giáo gay gắt hơn.

ĐÀO THỊ YẾN PHI pháp danh Nguyên Thường tự Diệu Mai sinh năm 1946. Đoàn phó đoàn Nữ Oanh Vũ Gia Đình Phật Tử Chánh Quang Nha Trang đã tự thiêu trước tòa hành chánh Tỉnh Khánh Hòa lúc 14g30’ngày 24/12/AL ( 1965 ) để chống chính quyền đàn áp Phật giáo.

Đầu hè năm 1966 cao trào đấu tranh của Phật giáo đòi hỏi chính quyền Thiệu Kỳ chấm dứt ngược đãi Phật giáo đang đến thời điểm căng thẳng nhất, đã có nhiều Tăng Ni Phật Tử phải bỏ mình hoặc tự thiêu để tỏ thái độ và tinh thần đấu tranh bất bạo động cho Đạo pháp. Tại miền Trung từ Quảng Trị vào đến Quảng ngãi nhất là Huế và Đà Nẵng, toàn thể Quân nhân Phật Tử đã hổ trợ với Tăng Ni Phật Tử bảo vệ các chuà chiền. Tổng thống Thiệu không thể đưa quân đội từ Sài Gòn ra miền Trung bằng đường bộ, đã phải ra lệnh cho Tướng Huỳnh Văn Cao đưa thủy quân lục chiến và lính dù bằng máy bay ra uy hiếp các chùa chiền, lực lượng tranh đấu bảo vệ Phật giáo ở thành nội Huế đã cảnh báo không cho máy bay trực thăng của tướng Huỳnh Văn cao đáp xuống sân bay mang cá, thì nhiều loạt đạn từ máy bay xối xả xuống.

NGUYỄN ĐẠI THỨC pháp danh Tâm Dũng sinh năm 1929 tại Quảng Bình. Đòan phó thiếu nam Gia Đình Phật Tử Tịnh Bình, anh là trung úy của quân đội Việt Nam Cọng Hòa đang cùng với lực lượng quân nhân Phật tử chốt ở Mang cá đã bị đạn từ trên máy bay bắn xuống gây tử thương ngày 27/3/AL (1966).

Cũng trong thời điểm đó, tại Đà Nẵng suốt ngày đêm, tất cả lực lượng tranh đấu của Phật giáo đang quyết tâm bảo vệ các chùa chiền, nhất là Tỉnh Hội, Phổ Đà, Pháp Bảo; lực lượng chính quyền không thể đàn áp nổi, quân đội Sài gòn phải viện binh bằng máy bay đổ bộ xuống tăng cường đàn áp bắn phá các cứ điểm tranh đấu của Phật giáo.

LÊ THANH SÔ pháp danh là Minh Tiên sinh năm 1938 tại Quảng trị Gia Đình Phật Tử Hòa Thuận đang cùng một số phật tử bảo vệ Tam Bảo tự thì ngày 21/5/AL(1966) một toán thủy quân lục chiến và lính dù đến uy hiếp bắn vào chùa, anh Sô đã bị tử thương.

Trên toàn cõi miền Nam, máu của phật tử đã đổ nhiều cho Đạo pháp mặc dù chỉ tranh đấu bằng bất bạo động. Đến thời điểm căng thẳng nhất của cuôc tranh đấu đòi chính quyền hãy chấm dứt đàn áp Phật giáo, thì người con gái tuổi đời chưa tròn 16 đã : Nguyện đem thân nầy làm đuốc sáng xóa tan rừng mê lũ bạo tàn.

Đó là : NGUYỄN THỊ VÂN, pháp danh Không Gian, sinh năm 1947 tại thành phố Huế, chúng phó thiếu nữ Gia Đình Phật Tử Thành Nội tự châm lửa thiêu thân trước sân chùa Thành Nội lúc 3g10’ ngày 12/4 /AL (1966), đã để lại dưới cột cờ chiếc áo Lam với huy hiệu hoa sen mà vẫn thường mặc để sinh hoạt Đoàn và phía dưới chiếc áo có 3 bức thư :

          – 1 gởi cho Tổng Thống Mỹ Nixson

          – 1 gởi cho Thiệu – Kỳ.

          – 1 gởi Thân phụ.

Cuộc tranh đấu bất bạo động cho 5 nguyện vọng chính đáng của Phật giáo đã được mọi tầng lớp tham gia hưởng ứng cũng đã quên mình vì đại cuộc như quý đạo hữu Nguyễn Tăng Chất, Trần Văn Du, Hoàng Thuyết và một sinh viên đại học Vạn Hạnh cũng đã :

             Hổ mình không được như Trưng triệu

            Mượn cửa từ  nghiêm đốt lửa hồng

Đó là Phan Diệu Mai pháp danh Diệu Quỳnh ( Nhất Chi Mai ) đã thể hiện “ Đại học tu thân cốt để hành

Xưa nay trên chiến địa không khỏi không có những chiến sĩ vô danh qua cơn pháp nạn, đã có những kẻ bị đánh đập, tù đày phải mang bệnh, chết sau khi được tự do, hoặc bị thủ tiêu mất tích hoặc bỏ thây những nơi xa xôi hẻo lánh.

III. TỔNG LUẬN :

Nguyện vọng thiết tha nhất của cuộc sống con người là Hòa bình – Độc Lập – Tự chủ – Công bằng xã hội.

Trong một quốc độ có nhiều biến cố xảy ra đều do người cầm quyền đã làm mất nhân tâm.

Giới Phật giáo bất đắc dĩ vì quá bị chèn ép để bảo tồn Đạo pháp tất cả phải đấu tranh, lâm cơn pháp nạn người phật tử không thể làm ngơ được.

VỚI ĐẠI BI : người phật tử sẵn sàng chịu khổ trước mọi người, lấy cái đau thương của mọi người làm cái đau thương của chính mình. Cái bức xúc của mọi người cũng là cái bức xúc của chính mình, do đó người phật tử cần hành động.

VỚI ĐẠI TRÍ : Người phật tử luôn luôn cảnh giác mọi cám dỗ của Ma Vương, biết gạt bỏ tất cả những cái hư biết đoàn kết hành động và hoạt động đúng chánh nghĩa biết tiến tới, thối lui, dừng lại đúng thời đúng lúc.

VỚI ĐẠI DŨNG : người phật tử luôn luôn sẳn sàng hy sinh thân mình vì đại nghĩa, dũng cảm quên mình để bảo vệ chánh nghĩa và Đạo pháp, đem lại hòa bình, hạnh phúc an vui cho xứ sở.

Trong cuộc tranh đấu bất bạo động đòi tự  do tín ngưỡng công bằng xã hội, người phật tử chúng ta đã thể hiện tinh thần Bi – Trí – Dũng, nếu đem so sánh thì những người đã hy sinh cho đạo pháp thì Gia Đình Phật Tử Việt Nam đã có tỷ lệ cao hơn các giới khác.

Nếu phải hy sinh cho chính nghĩa thì những người con của Gia Đình Phật Tử Việt Nam luôn luôn sẵn sàng đáp ứng, nhưng chúng ta cũng nên khẳng định rằng, không bao giờ để một ai lợi dụng tổ chức Gia Đình Phật Tử để mưu lợi riêng tư bước lên đài danh vọng mà cũng không làm công cụ cho một cá nhân, một tổ chức, một lực lượng nào mà không cùng một mục đích, một tôn chỉ như tổ chức Gia Đình Phật Tử Việt Nam.

Và cũng tự hào, Gia Đình Phật Tử Việt Nam đã một phần hai thế kỷ có mặt trên đất nước này, trãi qua các chính thể Pháp thuộc, Nhật thuộc, Bảo Đại, Ngô Đình Diệm ..vv.. trước và sau đảo chánh 1963 Gia Đình Phật Tử chúng ta luôn luôn tự lực, tự cường, không hướng ngoại, không dựa vào thế lực của chính quyền để phát triển, chưa hề thỏa hiệp đầu hàng trước bạo lực uy quyền hay danh lợi.

Tổ chức của Gia Đình Phật Tử là : “ Đào luyện Thanh, Thiếu, Đồng niên thành Phật tử  chân chính, góp phần xây dựng xã hội theo tinh thần phật giáo ” là thế đấy.

Bài khác nên xem

Tổ chức quản trị đoàn

datthinh

Tiều Sử Nữ Huynh Trưởng ĐÀO THỊ YẾN PHI

phuocthanh

Cùng tạo thành mùa xuân cho nhau – HT Thích Thái Hòa

phuocthanh