Hiếu Đạo – Suối Nguồn Bình An Nhân Loại

Hiếu Đạo – Suối nguồn bình an cho nhân loại.

1175072_795653167117471_2146211902_n

Đức Phật nêu cao Hiếu Đạo về tình thương  để mở cho chúng ta một con đường tiến vào “Ngôi nhà Như Lai” như trong kinh Pháp Hoa có câu: “Muốn vào nhà Như Lai phải có tình thương rộng lớn”  mà trên thế gian này chỉ có tình thương cha mẹ  sinh thành, dưỡng nuôi, chăm sóc, thương yêu con cái là “Vô điều kiện” mà thôi.

Tình thương của cha mẹ đối với con cái là một “thiên chức” tự nhiên, như suối nguồn không dứt, như đại dương bao la, như núi cao vời vợi…không gì có thể so sánh bằng. Ân chín tháng cưu mang, ba năm nhũ bộ, nuôi lớn con cái thành nhân trên 20 năm mà trở thành muôn đời không cách gì báo ân nổi – mà chúng ta đã trải qua ngàn, muôn, vạn kiếp như thế với bấy nhiêu công đức của hai đấng sinh thành như vậy có phải là công ơn này chất ngất trời cao hay sâu tận đại dương không thấy đáy không!

Khi đức Phật cùng Tăng đoàn đi ngang những núi xương khô Ngài đã lễ lạy những đống xương khô đó, Đại Đức A Nan thắc mắc hỏi thì Ngài trả lời: Trong những đống xương khô này nhiều đời kiếp có những người đã sinh ra ta và cũng có những người do ta sinh ra!!! tức Ngài đã “mở con đường” Hiếu Đạo cho chúng sinh khi tiếp nhận tình thương nơi cha mẹ và phải “hàm ân” để nuôi lớn tình thương đó ra khắp chúng sinh đồng loại.

Thiên kinh vạn điển Hiếu vi tiên – Ngàn vạn kinh điển đạo Hiếu đứng đầu, nếu không giữ Hiếu đạo thời thiên kinh vạn điển cũng bằng không. Thế nên về sau các hàng Phật tử thường xưng tán: “Tâm Phật là tâm Hiếu, đạo Phật là đạo Hiếu” là vậy.

Trong Đạo Phật có 5 tội cực trọng tức ngũ vô gián tội khi phạm phải sẽ bị đọa vào địa ngục vô gián hoài mãi muôn đời kiếp bị tra tấn hình hài không dứt dù là mỗi phút, một giây đó là: Giết cha, giết mẹ, giết La Hán, làm chảy máu thân Phật, phá hoại hòa hợp Tăng. Bị quả báo ngay lập tức.

Tại sao lại có những người con tán tận lương tâm ngược đãi, bất hiếu với cha mẹ, thậm chí ra tay sát hại cha mẹ như vua A Xà Thế, hay hoàng tử Lưu Ly thời đức Phật tại thế? Nghiệp báo! đây là câu trả lời rất đơn giản cho mọi trường hợp ngang trái, oái oăm đối với nền luân lý đạo đức xã hội. Các vị thánh nhân xuất hiện ở đời tùy hoàn cảnh mà thiết lập nên một nền đạo đức để giữ cho gia đình xã hội được an trị – và dạy cho con người thấm nhuần nhiều đời thành nếp trong suối nguồn đạo đức đó.

Nhưng với đức Phật ngày tùy duyên ở mỗi hoàn cảnh khác nhau mà có những cách giáo dục từ thân hành đến thuyết giảng một cách khác nhau là nhờ thấu suốt căn cơ ngọn ngành từ hành trạng đến nguyên do tạo tác của chúng sinh mà giáo hóa, không chủ ý hóa giải oan duyên này mà lại cấu thành một sự cố oán khác – tất cả đều được thành tựu trong một tình thương do trí tuệ bình đẳng bao la.

Ngạn ngữ Trung Hoa có câu: “ Không thù không thành cha con, không nợ không nên vợ chồng” để trả lời những trường hợp cha mẹ không thương xót con cái hay con cái đối xử tác tệ với cha mẹ, hoặc chồng vợ bất nghĩa, bạo hành với nhau…

Trong những trường hợp này Hiếu đạo do Phật chỉ bày sẽ mở ra một con đường về tình thương để con người có cơ hội “suy nghĩ lại” mà nhẫn chịu để tìm cách hóa giải mối ân cừu tiền kiếp với các “đối tượng” thân tình. Một ngày nào đó những đứa con bất hiếu được duyên lành nghe được chánh pháp Phật Đà về đến nhà bổng trở nên hiền từ thương kính cha mẹ và sám hối các lỗi lầm; một ngày nào đó người chồng sau khi nghe được chánh pháp Phật Đà nhìn lại bà vợ với tấm lòng hối hận… thì ngày đó ân cừu kiếp trước đã được hóa giải trong tình thương, có phải nền hòa bình thế giới cũng sẽ được thiết lập từ chánh pháp, từ tình thương sâu rộng như biển trời!

“ Vui thay đức Phật ra đời! – Vui thay chánh pháp được giảng! – vui thay tứ chúng đồng tu!

Vui thay hơn 25 thế kỷ, đạo Hiếu được hình thành từ kim khẩu đức Thế Tôn để nhân loại nương cậy trên đường hòa giải, xây dựng nên hòa bình nhân loại dựa trên nền tảng của Tình Thương.

Đức Quảng

Bài khác nên xem

Bát quan trai giới

datthinh

Đề tài: Kinh Duy Ma Cật

Huệ Quang GĐPTVN

Kỳ Thọ Cấp Cô Độc Viên

phuocthanh