Kỷ luật Đội Chúng

 

( Tài liệu Huấn Luyện Đội Chúng Trưởng – Anoma NiLiên

do BHD Trung Ương GĐPT Việt Nam ấn hành )

 

Từ khi loài người sống thành bộ lạc, đoàn thể…  thì vấn đề kỷ luật cũng dược đặt ra để duy trì trật tự, tạo nề nếp tôn ti cho đời sống tập thể và vấn đề kỷ luật được xem như sức mạnh của đoàn thể.

I. KỶ LUẬT TRONG GĐPT :

Gia Đình Phật Tử , một tổ chức giáo dục dựa trên căn bản giáo lý Phật đà một nền giáo dục chú trọng nhiều về tình thương và sự cảm hóa, nên vấn đề kỷ luật đặt ra không mang nhiều tính chất khắc khe của nó.

“ Con người là nơi nương tựa duy nhất cho chính mình ”. Đạo Phật tin tưởng tuyệt đối vào khả năng con người, vấn đề kỷ luật trong đời sống tập thể, tôn trọng tuyệt đối kỷ luật trong tinh thần tự do hoàn toàn của con người. Kỷ luật trong Gia Đình Phật Tử thoát khỏi tính cách bắt buộc, tuân hành, mà nó mang tính chất đặc thù của sự tự giác. Đạo Phật là tự mình thu nhận lỗi lầm của mình và tự hối cải. Chẳng những thế, người Phật tử có bổn phận giúp đỡ bạn mình, chỉ cho bạn mình biết những lỗi lầm đã vi phạm trong tinh thần xây dựng và cảm hoá. Tinh thần tự giác và giác tha phải thể hiện trọn vẹn trong người Phật tử.

Trong phạm vi nhỏ bé của một Đội, một Chúng, tình thương là sự giúp đỡ phải được thể hiện đầy đủ, là Đội Chúng trưởng em có bổn phận hướng dẫn dìu dắt các em trong tinh thần của người anh, chị. Em phải hướng dẫn các em đến tinh thần kỷ luật tự giác đúng mức, gây cho các em ý niệm về sự liên hệ giữa danh dự và kỷ luật. Khi các em đã ý thức và tôn trọng kỷ luật của tổ chức cá nhân, thì vấn để kỷ luật không cần thiết nữa. Vì lẽ khi đã biết tôn trọng danh dự của đoàn thể thì trật tự của đoàn thể được vãn hồi. Em làm thế nào để xóa bỏ ý niệm tôn trọng kỷ luật vì sợ bị trừng phạt ở các em Đội Chúng sinh. Em phải xóa bỏ tính cách chỉ huy ở nơi mình, sự chỉ huy dùng kỷ luật như một bùa phép để buộc người khác phải tuân theo, phải sợ mình. Em hãy tạo lấy tư cách của một người anh, người chị biết thương yêu dìu dắt các em, một hướng đạo viên trên đường tu học hơn là một vị chỉ huy.

II. ÁP DNG KỶ LUT :

Như trên đã nói, kỷ luật trong Gia Đình Phật Tử có tính cách cảm hóa hơn là trừng trị, em có thể dùng một vài biện pháp nào đó đối với những đoàn sinh để giúp cho sự hướng dẫn cảm hóa được hiệu quả, nhưng điều cần thiết là em phải hết sức tế nhị, hiểu rõ tâm lý các em, áp dụng kỷ luật một cách hết sức bình đẳng.

Trong buổi họp, em có thể khéo léo hướng dẫn các em tự nhận lỗi lầm, rồi hướng dẫn các em đến trước điện Phật sám hối những lỗi lầm đã sai phạm, nhưng nếu chưa thấy được lỗi, em có thể chỉ dẫn hết sức tế nhị đừng để cho các em có ý nghĩ là mình bị chỉ trích trước số đông hoặc đừng gây sự tự ái mà con người chưa dứt được.

Em có thể gọi riêng từng em một để cho em đó biết lỗi lầm đã vi phạm rồi hướng dẫn các em đó sám hối lỗi lầm ( trường hợp này thường được áp dụng cho các em mới vào đoàn ).

Em có thể cảnh cáo trước Đội Chúng những Đội Chúng sinh vi phạm kỷ luật nhiều lần, thường dễ gây tự ái nếu em không khéo léo, em phải tỏ ra nghiêm khắc khi cảnh cáo, nhưng cũng tỏ ra hết sức cởi mở và bao dung.

Nếu không còn biện pháp nào nữa, em có thể đưa lên anh chị trưởng.

III. KẾT LUẬN :

Tóm lại, kỷ luật trong Gia Đình Phật Tử có tác dụng cảm hóa hơn là trừng phạt, đòi hỏi ở ý thức hơn là sợ sệt, Đội Chúng trưởng phải là người anh, người chị luôn luôn lo lắng chỉ vẽ cho các em, phải tôn trọng danh dự của Đội Chúng nói riêng và tổ chức nói chung phải hết sức tế nhị và hiểu rõ tâm lý của từng Đội Chúng sinh, để sự áp dụng kỷ luật được phù hợp và có kết quả tốt đẹp.

 

Bài khác nên xem

Tiểu Sử Cố Huynh Trưởng Cấp Dũng Tâm Chánh Hoàng Thị Kim Cúc nguyên Phó Trưởng Ban Hướng Dẫn Trung Ương GĐPT Việt Nam

phuocthanh

Tiểu Sử Huynh Trưởng Cấp Dũng Tâm Huệ Cao Chánh Hựu

phuocthanh

Sổ điểm danh

datthinh