Không khí

air

(Bài viết cho các em Oanh Vũ và ngành Thiếu)

Thị Nguyên

——–

Các em thân mến! Ngày xưa ông bà ta sống bằng nghề nông và tiểu thủ công nghiệp sống quần cư theo xóm thôn làng xã. Sống gắn bó yêu thương nương tựa và giúp đỡ lẫn nhau, phòng ngừa bão lũ dịch họa, tật bệnh, giặc dã, cướp bóc. Nhu cầu của cuộc sống con người là ba nguồn tài nguyên: Thứ nhất là không khí. Thứ hai là nước uống. Thứ ba là lương thực.

Nguồn tài nguyên quan trọng thứ nhất là không khí. Nó quan trọng đến nỗi thiếu nó trong vài ba phút con người có thể chết ngay. Ấy thế mà thiên nhiên, mà tạo hóa đã hào phóng ban tặng miễn phí cho chúng ta. Là con người mà nhất là một Phật tử ta phải trân trọng biết ơn và cố gắng giữ cho môi trường không khí trong lành không nhiễm ô. Cuộc sống mới có thể an lạc và hạnh phúc.

Nguồn tài nguyên quan trọng thứ hai là nguồn NƯỚC. Con người nếu cạn nguồn nước trong một tuần là không cử động được và chết. Nhưng tạo hóa và thiên nhiên cũng lại hào phóng và ban tặng miễn phí cho chúng ta. Chúng ta phải biết ơn và dốc lòng báo trả bằng cách giữ cho môi trường nước luôn luôn trong lành không nhiễm ô. Đó là hành động có trí tuệ, có hiểu biết có văn hóa.

Nguồn tài nguyên quan trọng thứ ba là lương thực thực phẩm, con người phải lao động canh tác trên đất đai, trên rừng dưới biển vất vã mới có. Ấy thế nhưng con người có dồi dào hai nguồn tài nguyên đầu có thể nhịn ăn cả hàng trăm ngày mà không chết. Ngược lại con người muốn có cái ăn phải bỏ sức lực của tiền trí tuệ mới có thể phục vụ cái văn hóa ẩm thực nầy.

Nay ta nói chuyện với nhau về nguồn tài nguyên thứ nhất: KHÔNG KHÍ.

Không khí thuộc thể khí, không có màu, không có mùi không có vị, nên ta không thấy, nhưng ta biết ở đâu cũng có. Trên không, dưới nước, trong đất ở đâu cũng có không khí. Không khí cần cho sự sống, cần cho sự cháy, cần cho sự chuyển động các âm thanh.

Trong các kinh thuộc pháp môn tịnh độ quán sát nghiệm biết sâu sắc sự vận hành của không khí qua hơi thở của từng thể loại chúng sanh mà kiến lập các phương pháp tu trì. Dụ như khi hít vào tôi biết rằng tôi đang hít vào. Khi thở ra tôi biết rằng tôi đang thở ra. Khi hít vào một hơi ngắn tôi biết rằng tôi đang hít vào một hơi ngắn. Khi thở ra một hơi ngắn tôi biết rằng tôi đang thở ra một hơi ngắn… Khi hít vào là đem khí thanh trong vào trong nuôi cơ thể. Khi thở ra là nhả khí trọng trược ra ngoài thân thể. Khi hít vào là đem cả tư duy trí tuệ, ý nghĩ tốt đẹp làm giàu cho sự sống. Khi thở ra là loại bỏ những tư duy ý nghĩ và hành động xấu ác ra khỏi thân tâm tôi. Khi tôi thở ra và còn hít vào được. Khi tôi hít vào và thở ra được, tôi biết rằng mình còn sống. Như vậy tôi hiểu sự sống và hơi thở không khác. Mà hơi thở thì không có tướng nam tướng nữ, không có tướng giàu, tướng nghèo, tướng trí tướng ngu, tướng quý, tướng tiện, từ đó mọi người mọi loài đều bình đẳng và sự sống là vô cùng thiêng liêng. Và từ đó pháp giới chúng sanh mặc tình ta đăng nhập đăng xuất. Cực lạc là đây, nát bàn cũng là đây.

Không khí, không đến không đi đó là ý nghĩa của hai chữ Như Lai và Bát Nhã gọi là Triết lý Tánh Không. Vì các em thương, vạn vật trên đời hình dáng tuy muôn sai vạn biệt nhưng tánh dụng vốn đồng đó là TÁNH KHÔNG. Ly trà, ly cà phê, ly cam vắt, ly nước ngọt, ly kem hình thù có khác nhưng tánh đồng là khoảng không để chứa trà sữa, cam, nước ngọt, kem. Em muốn chứa cái gì nó không hề từ chối, anh muốn đổ nó đi, nó không hề tiếc nuối. Tu hành đến chỗ Phật chúng sanh tánh thường rỗng lặng thì vào ra đến đi lấy bỏ tự tại vô ngại. Thì thân ta đây cấu uế từ đâu mà lại, trọng trược từ đâu phát sanh?

Bởi vậy người ta nói đạo Phật đến với thế gian như nước như hư không, chỉ làm tươi nhuận và phát triển cuộc sống ngày một phong phú và hạnh lạc. Chỉ có những thế lực vô minh si mê và lạc hậu mới ngăn cản sự phát triển hoằng hóa của đạo Phật mà thôi. Rất mong các em biết cho.

Thân ái cùng các em./.

(THỊ NGUYÊN)

Bài khác nên xem

Thông Tri Văn Nghệ GĐPT Việt Nam

ducquang

HOA TRẮNG MẸ THÂN YÊU

Huệ Quang GĐPTVN

Nhạc Karaoke:Kết Hoa Dâng Mẹ- Hoàng Cang

ducquang