Luân hồi

( Tài liệu Tu học Ngành Thiếu – Bậc Trung Thiện

do BHD Trung Ương GĐPT Việt Nam tu chỉnh năm 2006 – PL 2550 )

 

A. GIỚI THIỆU :

Sự sống chết, mất còn là một vấn đề vô cùng quan trọng đối với con người, từ xưa đến nay con người vẫn luôn băn khoăn thắc mắc lo âu và vấn đề này đã làm hao tốn không biết bao nhiêu giấy mực và công sức nghiên cứu nhằm tìm kiếm một đáp án để lý giải một cách hợp lý hầu giải tỏa sự âu lo và thắc mắc của con người về sự sống còn mất.

Tuy nhiên càng truy tìm nghiên cứu, con người lại càng đưa ra những quan niệm sai lầm hơn, mà tiêu biểu là hai thuyết “ Chấp thường và chấp đoạn ” khi cho rằng con người chết rồi thì mất hẳn không còn gì tồn tại sau đó và khi chết rồi thì chỉ có thân xác bị tiêu hoại, nhưng linh hồn vẫn tồn tại mãi mãi : để được hưởng những lạc thú an vui hay chịu cực hình đau khổ.

Hai thuyết “ Chấp thường ” và “ Chấp đoạn ” trên đây đã có sự tương phản với nhau đều không hợp lý. Theo giáo lý đạo Phật thì chúng sanh không hề bị đoạn diệt cũng không phải thường còn, theo cái nhìn và quán chiếu của đạo Phật vào thế giới hiện tượng là không có vật gì mới được sinh ra, cũng không vật gì bị mất hẳn, vạn vật đều do có sự tương quan nhân duyên kết hợp mà thấy có sự biến dị hoặc hoại diệt.

B. NỘI DUNG :

I. ĐỊNH NGHĨA :

Luân hồi dịch ở chữ ( Samsãra ) trong tiếng Phạn. Theo từ Hán còn gọi là Tăng-sa-lạc. Cũng còn gọi là : Sinh tử, sinh tử luân hồi, sinh tử tương tục ( Tự điển Phật học Huệ Quang-Tập 3 .

 Luân là bánh xe; Hồi là quay tròn; Luân hồi là quay tròn như bánh xe.

Tóm lại Luân hồi là : Chúng sinh tạo nghiệp, chết ở kiếp nầy rồi lại sinh vào kiếp khác, cứ quay vòng như vậy mãi mãi trong 3 cõi sáu đường.

Và nếu muốn diệt trừ sự khổ của luân hồi lục đạo thì trước phải dứt nhân tham, sân, si vì đây là nguyên nhân khiến chúng sinh luân hồi trong tam giới lục đạo. Khi nào cắt đứt được ngã chấp và tham, sân, si thì cái khổ luân hồi cũng chấm dứt.

II. SỰ LUÂN HỒI TRONG MỌI SỰ VẬT VÀ CON NGƯỜI :

Định luật Thành, Trụ, Hoại, Không : chi phối toàn thể vận hành của vạn vật chúng sanh, trong vũ trụ tất cả sự vật, từ nhỏ đến lớn đều không thể nào vượt thoát ra ngoài.

1. Đất luân hồi :

 Như cái bình trước mặt chúng ta, nguyên liệu để thực hiện chính là “ Đất ”, qua thao tác của người thợ với nhiều công đoạn nó trở thành cái bình, trải qua thời gian sử dụng, cái bình bể nát và trở về với trạng thái nguyên thủy là đất cát. Đất cát này lại làm thức ăn để nuôi sống cây cỏ, cây cỏ lớn lên tàn rụi để trở thành phân bón cho các cây khác hoặc làm thực phẩm cho các loại động vật. Động vật ăn cây cỏ vào, rồi bài tiết ra hoặc sau khi già nua chết đi lại trở về với đất cát. Bao nhiêu lần thay đổi hình dạng, vì nhân duyên này hay nhân duyên khác, nhưng đất cát nó cũng lại trở về với đất cát, tùy theo vòng luân chuyển dài hay ngắn.

2. Nước luân hồi :

Nước ở sông hồ, biển cả bị sức nóng của mặt trời bốc thành hơi; hơi nước bay lên không trung gặp khí lạnh biến thành mây; mây nhiều tụ lại rơi xuống thành mưa, mưa chảy xuống ao, hồ, sông biển, hoặc gặp vùng lạnh quá thì đóng lại thành băng. Từ vô thỉ đến nay, nước thay đổi trạng thái biết bao nhiêu lần xoay vòng mãi mãi, nhưng rồi nước vẫn là nước. Điều này chứng tỏ hiện tượng của nước thì biến đổi vô cùng, nhưng bản thể của nước thì vẫn không bao giờ mất. Nó chỉ luân hồi mà thôi.

3. Gió luân hồi :

Không khí bị sức nóng của mặt trời giãn ra, bốc lên cao làm thành những khoảng trống. Để bù lấp vào những khoảng trống đó, không khí những nơi khác chạy tới điền vào. Sự luân chuyển liên tục của không khí tạo thành gió. Không khí xê dịch chậm thì gió nhỏ, nhanh thì gió mạnh và nhanh hơn thì trở thành bão, nhưng rồi dù có thay đổi trạng thái nhanh hay chậm, thì bản chất của gió vẫn là không khí.

4. Lửa luân hồi :

Lửa là một sức nóng làm cháy được vật, khi đủ nhân duyên thì sức nóng phát ra lửa. Hai thanh củi trong trạng thái bình thường thì chẳng thấy có sức nóng ở đâu cả, nhưng khi chà xát nhau thật mạnh một hồi thì lửa liền được bật lên. Ngọn lửa này có thể đốt cháy cả hai thanh củi, khi cháy thì một phần hóa thành tro than, một phần biến thành thán khí. Những cây khác dùng rễ mình để thu hút tro than, và dùng lá để thu hút thán khí, chất chứa lại sức nóng để một ngày kia khi hồi đủ nhân duyên lại bừng cháy lên. Như thế sức nóng bao giờ cũng có sẵn, khi thì ở trạng thái tiềm phục, khi thì ở trạng thái phát hiện. Điều này chứng tỏ lửa chỉ luân hồi qua những trạng thái khác nhau, chứ không phải đứt đoạn hay mất hẳn.

5. Cảnh giới luân hồi :

Trong kinh Phật thường nói : “ Thế giới nhiều như cát sông Hằng ”. Quả thật vậy, ban đêm chúng ta nhìn lên trời, thấy hằng hà sa số tinh tú. Mỗi tinh tú là một thế giới. Và mỗi thế giới đều không thoát ra khỏi đinh luật Thành, Trụ, Họai, Không. Mỗi phút giây đều có sự sanh diệt của thế giới. Thế giới này tan đi thì thế giới khác xuất hiện, như làn sóng này mất đi thì làn sóng khác nối tiếp, làm nhân, làm quả cho nhau, tiếp nối không bao giờ dứt.

6. Thân người luân hồi :

Thân người do tứ đại hợp thành mà tứ đại chính là đất, nước, gió, lửa. Với chất cứng dẽo như gia thịt, gân xương của con người chính là Đất; những chất lỏng nhữ máu, mỡ, mồ hôi, nước mắt là thuộc về Nước; hơi thở ra vào, nhịp đập của trái tim, buồng phổi, cử động lên xuống, qua lại của tay chân là thuộc về Gió; hơi nóng trong con người thuộc về Lửa. Như  trên ta đã rõ, tứ đại đều luân hồi thì con người vì lệ thuộc vào tứ đại nên cũng luân hồi theo vì khi thân nầy chết thì tất cả đều trả về cho tứ đại, và cứ thế vòng quay mãi mãi tiếp tục.

7. Tinh thần luân hồi :

Con người không phải chỉ có tứ đại mà còn có phần tâm lý hay nói một cách tổng quát đó chính là tinh thần, bao gồm tất cả mà đạo Phật gọi là : Thọ, Tưởng, Hành, Thức. Phần thể xác gồm có tứ đại là đất, nước, gió, lửa đạo Phật gọi là Sắc. Tứ đại là phần tạo nên sắc thân không hề tiêu diệt mà chỉ biến hóa luân hồi, thì Tâm thức hay Tinh thần cũng không tiêu diệt mà cũng chỉ biến chuyển xoay vần theo nghiệp.

Vậy nghiệp là một năng lực chứ nghiệp không phải là linh hồn, nghiệp có năng lực dẫn dắt hành động của mỗi chúng sanh. Do tính chất riêng ấy ( biệt nghiệp ) mà nghiệp lực mới dẫn dắt vào hình thức này hay hình thức khác do luật hấp dẫn ( đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu ) mà chịu xuôi theo vòng luân hồi sanh tử.

III. LUÂN HỒI THEO LUẬT NHÂN QUẢ :

Khi mọi người đã hiểu luật nhân quả và tin vào luật nhân quả thì mọi người không thể không công nhận sự luân hồi, vì luân hồi cũng chỉ là một chuỗi nhân quả có tính cách liên tục nhưng vì nó khi ẩn khi hiện, khi thăng khi giáng, khi mất khi còn, biến đổi dị dạng, nên chúng ta tưởng như gián đoạn và không ảnh hưởng, chi phối lẫn nhau.

Chúng sanh vì mê mờ nên đã tạo tác ác nghiệp : hành động, tham lam, sân hận, si mê, nghi mạn, ác kiến … đó là những nhân ác thì phải gặt quả ác. Và chúng sanh tu học theo chánh Pháp : Tu năm giới và thập thiện, thường làm việc phước đức, làm những điều lợi lạc cứu khổ độ sinh, hộ trì Tam bảo … đó là tạo tác nhân lành thì gặt hái được quả lành, an lạc giải thoát, được sanh về các cảnh giới tịnh lạc và phước báo của chư thiên. Do sự tạo tác lành, dữ, thiện, ác mà chúng sanh phải luân hồi vào trong ba cõi, sáu đường theo luật nhân quả chắc chắn không sai.

C. SUY NGHIỆM :

Giáo lý Luân hồi đã lý giải cho chúng ta được hiểu biết rõ về sinh diệt, còn mất của con người và vạn vật trong vũ trụ. Giúp cho con người hiểu rõ được thiện ác nghiệp báo theo luật nhân quả và giáo lý luân hồi cũng đem lại cho con người nhiều điều lợi ích :

– Phá trừ được “ đoạn kiến ” sai lầm làm con người sinh ra chán nản, vì nghĩ rằng dù ta có cố gắng ăn hiền ở lành, sống đạo đức rồi cuối cùng chẳng đem theo được gì cả, chẳng hưởng được gì một khi chết đi thân thể bị tiêu hoại.

– Phá trừ được “ thường kiến ” sai lầm làm cho con người tin rằng con người khi chết rồi vẫn giữ địa vị của mình, dù có làm phước hay tạo tội cũng vậy. Do đó mà con người sống với nhau không có tình người, không thương yêu giúp đỡ nhau mà còn bóc lột cướp giật, hại nhân, gây tội ác …

– Với giáo lý Luân hồi đem cho con người một niềm tin chân chính hợp lý : con người khi chết rồi không phải là mất hẳn mà chắc chắn có liên quan ảnh hưởng về nhân quả đối với kiếp sống hiện tại. Sống lành hay dữ, thiện hay ác, tạo tội hay phước, tức là tạo thiện nghiệp hay ác nghiệp thì khi chết nghiệp lực đó sẽ dắt dẫn sinh vào trong vòng luân hồi của ba cõi sáu đường theo luật luân hồi nhân quả để chịu nghiệp. Giáo lý luân hồi cho con người tự tin là ta là chủ nhân của đời ta, ta tạo nghiệp nhân gì thì ta chịu nghiệp quả ấy, chứ không ai thương hay ghét hoặc có quyền ban phước hay giáng họa cho ta cả.

D. THỰC HÀNH :

Người Phật tử đã biết được ý nghĩa và giá trị của giáo lý luân hồi thì nên cố gắng tu tập theo đúng Chánh pháp, cải thiện thân tâm, tạo thiện nghiệp, tẩy sạch các nghiệp hữu lậu để gặt hái được quả lành để không còn trôi lăn trong vòng luân hồi sinh tử; nguyện được giải thoát sanh về các cảnh giới tịnh lạc bất sanh bất diệt của các vị A-La-Hán và chư Bồ Tát hay Chư Phật.

Theo lời Phật dạy :“ Tất cả chúng sanh đều có Phật tánh và có khả năng giác ngộ và giải thoát

Em quyết tâm tinh tấn tu tập theo Chánh Pháp :

  1. Thường xuyên niệm Phật để tâm được an trú trong chánh niệm.
  2. Xa lìa ác Pháp, hành động hướng theo các thiện Pháp đem lại lợi lạc cho chúng sinh để chuyển hóa khổ đau thành an vui.
  3. Tu tập giới Định Tuệ để diệt trừ Tham ái, Sân si, Mạn, Nghi, Cố chấp và thù hận để được giải thoát khỏi luân hồi sinh tử trong ba cõi sáu đường và thanhh tựu được Phật quả.

 Chú thích :

Ba cõi : gồm có Dục giới, Sắc giới và Vô Sắc giới :

Dục giới : là thế giới của ái dục, nơi đó chúng sinh còn tâm tham ái, dâm dục nên mỗi loài còn có phân biệt nam nữ, đực cái, trống mái. Thân thể được cấu tạo bằng ngũ uẩn.

Sắc giới : gồm những cõi mà chúng sinh đã thoát ly được tham dâm và tham thực, chúng sanh ở cõi nầy thuộc Hóa sanh.

– Vô sắc giới : gồm những cõi đã ly dục, không còn sắc thân vật chất, chỉ có tâm cảm với nghiệp lực.

Sáu đường : gồm có Địa ngục, Ngạ Quỷ, Súc Sanh, A Tu La, loài Người và cõi Trời :

1) Địa ngục : do tạo nhân độc ác, làm nhiều điều tội lỗi, giết hại mạng sống, gây đau khổ cho chúng sinh, nên phải chịu luân hồi vào địa ngục, chịu đủ điều khổ ải.

2) Ngạ quỷ : Nhân tạo tham lam bỏn xẻn, không biết bố thí, giúp người, từ tài vật đến ngôn ngữ và hành động. Trái lại còn mưu sâu và độc kế cướp đoạt của người, sau khi chết luân hồi làm ngạ quỷ.

3) Súc sanh : Tạo nhân si mê sa đoạ theo thất tình lục dục, tửu sắc, tài khí, không biết hay dở, tốt xấu, thiện ác, chết rồi luân hồi làm súc sanh.

4) A-Tu-La : Gặp việc nhân nghĩa thì làm, gặp việc sai quấy cũng không tránh, vừa cang trực vừa độc ác. Mặc dù có làm những điều phước thiện, nhưng tính khí hung hăng nóng nảy vẫn còn, lại thêm tà kiến, si mê, tin theo tà giáo. Tạo nhân như vậy, kết quả sẽ luân hồi làm A-Tu-La, gặp vui sướng cũng có mà buồn khổ cũng nhiều.

5) Loài Người : Do tu nhân Ngũ giới : không sát hại mạng sống, không trộm cắp, không tà dâm, không dối trá, không uống rượu say sưa thì đời sau sẽ trở lại làm người cao quý, an nhàn.

6) Cõi Trời : Tránh mười điều ác tu nhân Thập Thiện thì sau khi chết được sanh lên cõi trời. Nhưng nên biết rằng cõi Trời này cũng còn ở trong vòng phàm tục, vẫn còn chịu nhân quả sanh tử luân hồi. Muốn thoát  ra ngoài cảnh giới sanh tử luân hồi và đến bốn cõi Thánh là Thanh Văn, Duyên Giác, Bồ Tát và Phật thì phải tu nhân giải thoát (tu Pháp xuất thế gian).

 

Bài khác nên xem

Mười điều thiện

datthinh

Chương trình tu học Bậc Tung Bay

datthinh

Trách nhiệm đối với Đàn

datthinh