Người Huynh Trưởng với đạo pháp và dân tộc

( Tài liệu Huấn Luyện Huynh Trưởng Sơ Cấp – Lộc Uyển

do BHD Trung Ương GĐPT Việt Nam tu chỉnh năm 2001 – PL.2545 )

 

Người Huynh trưởng vốn tắm gội trong hào quang chư Phật, cất tiếng khóc chào đời trong lòng mẹ Việt Nam, sống và lớn lên bằng sửa ngọt cơm bùi của dân tộc, nên không thể quên ơn Đạo pháp, Dân tộc được.

I. ĐỐI VỚI ĐẠO PHÁP :

Người Huynh trưởng phải hiểu đạo và bảo vệ Đạo :

1.  Hiểu Đạo :

Để thấy rõ chân tinh thần của Phật giáo, không phải chỉ nghiên cứu trên từ chương sách vở, nô lệ cho một mớ lý thuyết khô khan rồi chấp vào một số giáo điều. Đạo Pháp vừa xuất thế vừa bất ly thế gian nên đòi hỏi phải học phải tu.

a.  Học Đạo :

Đạo Phật là đạo của giải thóat tuệ giác siêu việt và là kết quả của một quá trình tu tập lâu dài của đức Từ phụ.

Học Đạo là làm lại công việc của bậc Đạo sư  ấy, bắt đầu từ phản tĩnh, đối chiếu và kiểm chứng với những điều ta đã học hỏi, nhìn các hiện tượng với con mắt khoa học của lý trí, của kinh nghiệm tự thân thì đức tin mới vửng chắc ( Chánh tín ).

Như vậy học Phật không phải để biết thiên kinh vạn quyển vì ngôn ngữ từ chương không phải là Đạo. Đạo là mặt trăng, ngôn ngử chỉ là ngón tay chỉ mặt trăng. Kinh sách chỉ là những phương tiện diễn tả và chịu ảnh hưởng thời đại của nó cho nên phải tìm tận nguồn hoàn cảnh xã hội thì mới có thể thấy được sự thích ứng giữa đạo với đời và do đó tin tưởng “ Đức Phật là một sự thật không phải huyền thọai ”.

“ Tin ta mà không hiểu ta là phỉ báng ta ”. Lời dạy của Đức Phật, đức Đại Từ phụ đáng ghi nhớ để làm phương châm cho việc học đạo.

b.  Tu trì :

“ Tu mà không học là tu mù, học mà không tu như đảy đựng sách ”. Thật vậy, lý trí chưa phải là khí cụ tuyệt đối đạt đến chân lý, bởi lý trí vẫn bị vô minh che lấp nếu không tu thì khó phá màn vô minh ấy lắm.

Tu ( Giới ) là phần thực chứng bản thể để phát huy tuệ giải thóat ( Huệ ). Đã nói đến tu thì có vô lượng pháp môn, người Huynh trưởng không buộc phải theo đúng khuôn rập một phương pháp, mà hãy khéo chọn cho mình một con đường thích hợp nhất với cuộc sống của mình.

c.  Hành Đạo :

Phương pháp xiễn dương Đạo pháp hữu hiệu nhất là hành đạo, vì nếu không dụng công hành đạo thì sẽ không được người đời tin tưởng nữa. Đức Phật là đấng tự giác nhưng đồng thời là đấng giác tha. Ngài kêu gọi Từ bi thì chính Ngài bồng con cừu non ốm yếu trên đường xa diệu vợi để rồi hóa độ cho vua Tần Bà Sa La biết thương chúng sinh. Người Huynh trưởng cần làm đúng như điều mình đã biết ( tri hành hợp nhất ). Người Huynh trưởng có đối tượng riêng với ba thành phần tâm lý ( Thanh, Thiếu, Đồng ) và những sinh họat riêng của đoàn thể như :

–   Giáo dục đòan sinh.

–   Họat động thanh niên.

–   Công tác xã hội đúng như tôn chỉ của GĐPT.

–   Đào tạo Phật tử chân chánh.

–   Xây dựng xã hội theo tinh thần Phật giáo.

Việc hành đạo của người Huynh trưởng là tiếp tay với Giáo hội trong hai mục đích chính là xây dựng Đạo pháp và Dân tộc mà tuổi trẻ là thành viên quan trọng vì “ Tuổi trẻ là ông chủ tương lai của Đạo pháp và Dân tộc ”.

2.  Bảo Vệ Đạo :

Bảo vệ cơ sở, bảo vệ chùa chiền, kinh tượng, pháp khí. Tuy đó không phải là Đạo nhưng đó là hành tướng của đạo. Cái áo không làm nên thầy tu, nhưng thầy tu không thể không cần chiếc áo. Bảo vệ đạo pháp cần lưu ý :

–   Bảo vệ tinh thần giáo lý : cương quyết chống những tuyên truyền xuyên tạc cố ý làm mất giá trị và làm sai lạc ý nghĩa của giáo lý.

–   Bảo vệ đặc tính giáo pháp : chống những hình thức không Phật giáo xâm nhập, chống những khuynh hướng mô phỏng không ý thức và những hình thức làm mất đặc tính Phật giáo trong mọi lĩnh vực : nghệ thuật, văn chương, nghi lễ…

–   Đem đạo pháp vào cuộc đời : cây Phật giáo có châm bón mọi nơi, mọi thời  cho thích hợp mới xanh tươi. Phật pháp không xa lìa thế gian pháp. Người Huynh trưởng có đủ điều kiện để đem đạo Phật vào trong cuộc đời.

–   Bảo vệ đạo pháp bằng thực hành giáo pháp : nhưng điều quan trọng hơn hết là người Phật tử phải thực hành giáo lý trong đời sống của mình. Dựa vào giáo lý để trau dồi nhân cách. Nếu là một Phật tử mà không có nhân cách, không thực hành đúng giáo pháp, làm những điều xấu xa, xằng bậy thì người khác còn tin tưởng gì vào giáo pháp nữa còn ai tôn trọng Đạo pháp nữa. Như vậy chính mình đã làm suy đồi Đạo pháp chứ không ai khác. Đúng là “ Sư tử trùng sư tử nhục ” (1)

3.  Đối với Tổ quốc và Dân tộc :

Gọi là quốc gia thì có đủ 3 yếu tố : lãnh thổ, ngôn ngữ và dân tộc. Đối với Tổ Quốc người Huynh trưởng cần :

–   Làm tròn bồn phận công dân trong chức năng của mình, góp phần vào việc bảo toàn lãnh thổ, chủ quyền quốc gia, danh dự Tổ Quốc.

–   Bảo vệ ngôn ngữ quốc gia, đồng nhất trao đổi tiếng nói dân tộc. Duy trì truyền thống Tiên Rồng thuần nhất của người Việt Nam, giữ gìn và phát huy đặc tính dân tộc, nêu cao tinh thần bất khuất.

–   Cải tiến nhưng không vọng ngọai, biết lựa chọn để đồng hóa những văn minh du nhập làm giàu cho văn hóa dân tộc.

–   Chống chủ nghĩa phi nhân bản, chà đạp tự do trong đó có tự do tín ngưỡng. Mưu cầu một đời sống an lạc trong tinh thần Phật Giáo.

–   Người Huynh trưởng muốn đạt được mục đích trên với phương tiện của Đạo pháp thì quyết không tham gia đảng phái.

II. KẾT LUẬN :

Vốn dĩ Phật giáo là tôn giáo truyền thống của dân tộc, phụng sự và trung thành với Đạo pháp đã bao hàm cả nhiệm vụ phục vụ cho Tổ quốc và Dân tộc và còn cho cả nhân loại, chúng sanh nữa.

Thánh Gandhi là một gương sáng cho chúng ta thấy rằng nhiệm vụ đối với Dân tộc có thể hoàn thành nhờ dựa trên nền tảng của Giáo pháp.

 

 

Bài khác nên xem

Đàn và Đàn kiểu mẫu

datthinh

Họp Đội Chúng

datthinh

BHD GĐPT Bà Rịa Vũng Tàu tổ chức kết khóa Trại Lộc Uyển 16

phuocthanh