Tam Giới

 

( Tài liệu Tu học Ngành Thiếu – Bậc Chánh Thiện

do BHD Trung Ương GĐPT Việt Nam tu chỉnh năm 2006 – PL 2550 )

A. DẪN NHẬP :

Nhân sinh quan – Vũ trụ Phật giáo là một môn học mà ngày nay các học giả cũng nhà khoa học trên thế giới rất quan tâm, bởi những gì mà khoa học kỹ thuật tiến tiến ngày nay tìm ra và thực nghiệm, đã được nói đến trong tam tạng kinh điển của Phật giáo cách đây trên 25 thế kỷ. Ở phạm vi bài này, chỉ giới thiệu một phần nhỏ trong bộ môn Vũ trụ quan Phật giáo đó là : “Tam giới”.

B. NỘI DUNG :

I. ĐỊNH DANH :

Tam giới là 3 cảnh giới trong vũ trụ hiện hữu đó là : Dục giới – Sắc giới và Vô sắc giới. Tam giới có 2 cách phân lọai :

1. Theo đặc tính :

Thế giới được chia làm 2 loài :

a. Hữu tình (còn gọi là Nhân sinh quan) :

Tức là thế giới sinh sống của các loài cử động được (loài có sự sống như động và thực vật).

b. Khí thế giới :

Tức là thế giới vật lý, các loài vô tri, vô cơ kết tụ lại và cũng là trú sở của loài hữu tình.

2. Theo bản chất :

Thì thế giới chia làm 3 cõi : Dục giới, Sắc giới, Vô sắc giới.

II. HÀNH TƯỚNG CỦA TAM GIỚI :

Đức Phật quán sát thế giới theo hai dạng khác nhau

–  Hiện thực thế giới : Là thế giới sinh tử, mê vọng, khổ não, sinh vật ở thế giới này được cấu tạo bởi nguyên lý “Nhân duyên sinh” mà có, nên là thế giới vô thường, có sinh ắt có diệt, biến hóa nên còn gọi là “Thế giới vô thường”.

– Lý tưởng thế giới : Là thế giới Niết bàn, thường lạc, không theo nguyên lý nhân duyên nên là thế giới thường trụ, không sinh diệt biến hóa, nên còn gọi là thế giới vô vi. Về thành phần để thành lập thế giới có vật và tâm, sự quan hệ mật thiết giữa vật và tâm hay là không do vật và cũng không do tâm, nó được cấu tạo bởi Ngũ uẩn : Sắc, thọ, tưởng, hành và thức.

Và cũng vì sự kết hợp của Ngũ uẩn có sai khác ở mỗi loài, mỗi vật ở mỗi cõi khác nhau :

1. Dục giới :

Là thế giới của Ái Dục : với 2 thứ ham muốn Dâm dục và Thực dục. Thế giới nầy là nơi mà các sinh vật được cấu thành bởi Ngũ uẩn nên đối với 2 thứ dục rất ưa thích, trong đó bao gồm : Địa ngục, ngạ quả, súc sanh, A tu la, Nhân, Thiên và với 4 loài : Thai sanh, Noãn sanh, Thủy sanh và Hóa sanh.

2. Sắc giới :

Là cõi có hình chất chướng ngại mà lại hay chuyển biến hủy hoại, cõi này trên cõi dục, chúng sanh ở cõi nầy thuộc Hóa sanh không tham dâm và tham thực, chỉ có thân thể tốt đẹp thù thắng nhưng vẫn chưa giải thoát được các triền phược của vật chất vi tế. Cõi này y cứ vào tinh thần tu dưỡng cao hay thấp, cõi này cũng chia làm bốn bậc (nên gọi là Tứ thiền) : Sơ thiền, Nhị thiền, Tam thiền và Tứ thiền

3. Vô sắc giới :

Cõi này thân thể không có vật chất vì đã hoàn toàn thoát khỏi sự ràng buộc của vật chất, đương thể thuần là tinh thần độc lập, chúng sanh ở cõi này thường trụ trong các thiền định thâm diệu, không có cảnh giới, xứ sở. Y theo sự thù thắng của thiền định, cõi này cũng chia ra làm 4 bậc : Không-vô-biên-xứ, Thức-vô-biên-xứ, Vô-sở-hữu-xứ, Phi-tưởng Phi-Phi-tưởng-xứ.

C. SUY NGHIỆM :

 Vũ trụ quan Phật giáo được lý luận dựa vào 3 điểm vật lý, Tâm lý và Luân lý làm cơ sở điều hòa thành tựu :

+ Vật lý: là sự phân loại 4 loài .

+ Luân lý : là sự phân loại sáu đường do tâm trạng hành vi thiện ác mà khai triển.

+ Tâm lý : đưa vào trạng thái tinh thần, so sánh trình độ tu tập thiền định mà phân cao thấp đó là 3 cõi.

Phật giáo chủ trương giáo thuyết “vạn pháp do tâm tạo”, vì vậy thế giới được cấu tạo là do tinh thần con người làm trọng tâm. Do đó 3 cõi đều là cảnh giới tinh thần, không tồn tại là không thật, chỉ là giả hợp mà thôi.

Ngoài Tam giới, Phật giáo còn có thuyết giảng 2 cõi nữa là cõi Phật và cõi Tịnh.

Bài khác nên xem

BHD GĐPT Đồng Nai tổ chức khóa tu Bát Quan Trai Giới

phuocthanh

Bổn phận đối với xã hội

datthinh

Tập hát cho Đàn

datthinh