Tính Chất Văn Nghệ GĐPT – Đức Quảng (tiếp)

18.Âm nhạc , thế mạnh của GĐPT.

Cho đến nay (2004 ) ban văn nghệ đã sưu tầm, ký âm, phục dựng và lưu trữ hơn 800 ca khúc ngắn và dài  đã từng xử dụng  trong các buổi Lễ, nghi thức GĐPT, nhạc Đạo, sinh hoạt Gia đình , sinh hoạt cộng đồng ……số lượng có thể nhiều hơn  nhưng không được phổ  biến  rộng rãi, đa phần là hát truyền khẩu  nên mỗi nơi mỗi hát khác nhau, và qui luật bảo hòa và đào thải xảy ra trong GĐPT rất chóng , nên dù có lưu trữ bao lâu mà không dùng phương tiện giao lưu, băng từ, đĩa nhạc  để phổ biến thì  cũng khó khăn trong việc bảo tồn. Năm 1965 , Tu thư BHD Trung ương phát hành vỏn vẹn một tập NHẠC SỐNG GĐPT  bằng bản in có kiểm tra ký âm  cùng ca từ kỹ càng. Về sau, các BHD Cam Ranh, Đà Lạt-Tuyên Đức (nhiều nhất) Quảng Đức – Saigon ….đã phát hành những tập nhạc quay Ronéo, đánh máy, viết tay  lưu hành nội bộ nhưng phần ký âm (solfère) sai nhiều, cho đến thập niên 1990 anh Nguyên Định – Bửu Ấn  tự kẽ hàng và viết tay quyển 450 bài hát GĐPT thì chúng ta tạm thời an tâm về chất lượng ghi nhạc vì anh là một HT nhạc sĩ lão thành.  Anh cũng đã qui tụ một số giọng ca “ vàng “ để thu âm, tự phát hành nhiều băng nhạc hỗ trợ  phổ biến  các ca khúc ấy. Tuy nhiên phần kỹ thuật hòa âm và hát xướng thì khá đơn giản “cây nhà lá vườn” nên chỉ có tính cách hướng dẫn nội bộ.Riêng anh Như Vinh – Nguyễn Văn Xứng thì vẫn sáng tác đều đặn và chăm chút những tác phẩm của mình như xưa nay anh vẫn làm, về sau anh cũng thực hiện được những CD khá tốt.   Năm 2000, anh Đức Quảng đã ký âm lại hơn 500 ca khúc nhiều tác giả  theo từng chủ đề bằng bản in vi tính  thành 3 quyển : Nhạc sinh hoạt, Nhạc Vu Lan, Nhạc Đạo phát hành rộng khắp, đồng thời anh đã phát hành CD nhạc GĐPT năm 2001, tiếp theo là DVD, VCD karaoke nhạc GĐPT ra đời năm 2003. Dù sự phổ biến còn hạn chế, gián đoạn nhưng cũng đã khơi dậy một tiền đề mới để củng cố và phát triển bộ môn âm nhạc GĐPT tương lai.(Cho đến nay, năm 2011 ban Văn nghệ đã thực hiện được gần 100 ca khúc hoàn chỉnh qua Studio và Karaoke)

IV TÍNH CHẤT VĂN NGHỆ GIA ĐÌNH PHẬT TỬ

1/ Tinh thần khai phóng và tính chất dung hoá tự nhiên .

    Bình minh của Gia Đình Phật Tử  đã xuất hiện một bài Đoàn ca nêu bật ý nghĩa mục đích của Đoàn Phật Học Đức Dục nhưng ca từ lại hát bằng tiếng Pháp! Cũng dễ hiểu , vì Đoàn lúc đó qui tụ hầu hết là những Phật tử trí thức trong thời đại văn hoá cách tân,có khi cũng để người Pháp không nghi ngờ về sự hiện diện của tổ chức Phật giáo này, cho đến khi mở rộng thành Gia đình Phật Hoá Phổ thì nhu cầu một bài Đoàn ca Việt ngữ rất cần thiết .

   Nội qui GĐPT ,chương III , điều 11 , xác nhận :

Huy hiệu chính thức của GĐPT là Hoa Sen Trắng ,tám cánh trên nền tròn xanh lá mạ , viền trắng . 

   Nội qui GĐPT ,chương III , điều 12 , khoản a  ghi rõ :

 Bài  Hoa Sen Trắng  là bài ca chính thức của Gia Đình Phật Tử .(Trong khi tựa bài hát là SEN TRẮNG, không có chữ HOA!!!)

Nhạc của Ưng Hội , lời của Phạm Hữu Bình & Nguyễn Hữu Quán , viết theo dạng ca khúc ngắn ( chanson) vỏn vẹn 16 trường canh ( ô nhịp)và 54 từ :

         Mở đầu cho một ngày mới , một buổi sinh hoạt GĐPT , toàn thể các đoàn viên đứng nghiêm trang để chào cờ và hát bài ca này. Ca từ rất đơn giản và dễ hiểu, nhưng đọc kỹ thì chúng ta thấy tính  ảnh dụ và dung hoá giữa Hoa sen trắng cùng Đức Thế Tôn không khác – hoà quyện vào nhau một các tự nhiên . Chúng ta đang tụng một bài  kệ  sắc tướng  toàn bích :

 

Thân thị Bồ Đề thụ                                     Kìa xem đoá sen trắng thơm

                                                                Nghìn hào quang chiếu sáng trên bùn.

Tâm như minh cảnh đài                            Hình dung Bổn Sư chúng ta

                       Lòng Từ Bi Trí giác vô cùng 

Thời thời cần phất thức                          Đồng thệ nguyện một dạ theo Phật 

Nguyện sửa mình ngày thêm tinh khiết

Hà xứ nhạ trần ai                                 Đến bao giờ được tày Sen ngát

Toả hương thơm Từ Bi tận cùng .

 

      Bài ca này đã nói lên MỤC ĐÍCH LÝ TƯỞNG của GĐPT – Cứu cánh giải thoát . Là một sự định hướng trọn đời hoặc trăm nghìn muôn kiếp của Phật tử chân chánh ra công gắng  đi tìm  chỗ “Bổn lai diện mục” của chính mình – Ngoài ra , không tìm một thứ gì khác, và cũng bị  bất cứ thứ gì  làm vấy nhiễm  bản thân .

        Bài Sen Trắng tuy ngắn nhưng là một tác phẩm có đến ba tác giả: Nhạc Ưng Hội . Lời : Phạm Hữu Bình – Nguyễn Hữu Quán  !  Xin mời quí bác , quí anh chị  xem quyển Lược sử Phật Giáo quyển III của Nguyễn Lang để biết ông Hữu Bình và Hữu Quán  đều là những nhà tư tưởng Phật Giáo cách tân trong thời kỳ chấn hưng từ Đoàn Phật học Đức Dục thì sẽ hiểu ý nghĩa tối quan trọng trong ca từ của bài Sen Trắng như đã nêu trên .

       Cũng trong thuở ban sơ chúng ta biết đến một dòng nhạc trang nghiêm trầm bổng giữa cổ điển và tân thời  với những thang âm  đúng qui cách, âm luật qua bài Trầm hương đốt ( Hải triều âm ) và bài ngày vía đản sinh của Bửu Bác, nếu hoà âm phối khí  cùng hợp xướng hai bài này, chúng ta vẫn thấy tâm hồn quy ngưỡng tam bảo  và khả kính của nhã nhạc dân tộc  hoà quyện vào nhau với âm điệu riêng biệt  –  Rất khác với những bài hợp xướng của những ca đoàn nhà thờ Catholic.

    Năm 1982 , anh Tâm Phát và anh Như Tâm có hội ý với chúng tôi về việc sáng tác một bài hát để GĐPT dâng lục cúng. Chúng tôi góp ý : “ Trong lễ nhạc chưa có bài nào trang nghiêm bằng Trầm hương đốt , nhưng bài này chỉ để nguyện hương. Và chúng tôi đã kết nối câu cuối của Trầm hương đốt  qua bài  Cúng dường  cùng tông  Fa majeur / Ré mineur  chia làm  sáu lễ phẩm dâng cúng , nhịp trầm bổng  và nhặt khoan hoà quyện vào nhau .

   Năm 1986 , anh Như tâm Nguyễn Khắc Từ lại đề nghị chúng tôi nghiên cứu sáng tác một bài tưởng niệm GĐPT – Tưởng niệm chư ân sư , chư Thánh tử Đạo , quí Đạo hữu , anh chị áo Lam  hữu công đã quá vãng hoặc còn sống . Thế là ca khúc Sống Trọn Đời Lam ra đời  bổ sung vào phần lễ nhạc

      Một bài hát trang nghiêm được bổ sung vào phần lễ nhạc  hát để cung nghinh Chư Tôn Hoà Thượng, Thượng Toạ, Đại Đức quang lâm. Ở chùa thì có ba hồi chuông trống Bát Nhã, còn ở đất trại  thì nên có một bài hát thành kính bày tỏ lòng thành !  Bài Kính Mến Thầy của Dương Xuân Dưỡng  với một câu tâm niệm để đời: “ Dù bao nhiêu gian khổ , dù gặp nhiều nguy khó . Lý tưởng – chúng con vẫn tôn thờ  “  Hát gần 50 năm như thế . Vậy  mà , 40 năm sau  có một thiền sư  danh tiếng trong một buổi Pháp thoại đã đề nghị sửa lời của bài ca này: “ Trong giờ phút vui này – Chúng con quyết lòng ngồi  đây “ thay vì “ Trong giờ phút vui này – chúng con biết làm gì đây ? “ ( trong quyển Đường về vườn Nai của Thiền sư NH )

      Những nhạc sĩ chuyên nghiệp và cũng là nhạc sĩ sáng tác của GĐPT như Lê Mộng Nguyên ( hiện ở Pháp ) , Phạm Mạnh Cương ( Canada ) Lê Lừng , Lê Cao Phan , Nguyễn Hữu Ba, Hằng Vang, Anh Lạc, Ngọc Kỳ, Ngô Mạnh Thu, Hoàng Cang , Lê Mộng Bảo…..  đã hợp sức mở mang một con đường  riêng biệt cho dòng nhạc GĐPT  trong suối nguồn âm nhạc đa âm sắc của Phật Giáo. Dù ngày nay chỉ còn một số ít anh chị  ở lại với GĐPT nhưng các thế hệ sau vẫn thành kính tri ân các anh chị nghệ sĩ tiền nhân  đã mở một hướng đi  trong buổi đầu gian khó .

       Ngày nay, sự tồn tại bất hủ của những ca khúc ngắn như Trai áo Lam của Phạm Mạnh Cương , Xây dựng gia đình của Đỗ Kim Bảng, Chim bốn phương, Dòng Anoma của Hoàng Cang, Gia đình thân ái của Lê Mộng Nguyên, Kết đoàn của Anh Lạc, Em đến chùa của Dương Thiện Hiền, Nhịp vui khánh Đản của Ngô Mạnh Thu …..như là một minh chứng cho thấy thời  rạng rỡ của dòng nhạc trong sáng tươi vui. Trước tiên các ca khúc ấy  phải mang tính chất đại chúng ( chim bốn phương ), lời lẽ vần điệu dễ nhớ, tạo ra tính truyền cảm  trong khí thế sôi động ( trai áo Lam , Kết đoàn , mừng ngày Phật đản ) chan chứa thân thương ( Gia đình thân ái , xây dựng gia đình ) Những ca khúc ấy đã vượt thời gian , thế hệ nào , tuổi tác cũng có thể ca hát không ngại ; Chúng cũng vượt không gian , vì nếu dừng lại ở không gian này thì  dễ bị chối bỏ ở không gian khác. Thí dụ như một bài hát  ca ngợi GĐPT ở chùa Linh Sơn  thì không thể hát ở chùa Lôi Âm và ngược lại .

   Trên nền móng này, nhạc GĐPT từng bước  khai phóng đã biểu thị  cho các nghệ sĩ  GĐPT mạnh dạn  sáng tác  với tâm hồn và sức sống GĐPT rất riêng . Ngày nay , nhiều người nghĩ rằng nên nhờ một nhạc sĩ nổi tiếng viết nhạc GĐPT ! Nhạc điệu có thể hay , nhưng ca từ và sức sống có mang chất GĐPT hay không chỉ có những nghệ sĩ  GĐPT mới  cảm biết được .

  Nhạc GĐPT , trong đó tính chất của bản thể cá nhân không tồn tại , sự tươi vui  của trẻ thơ  chỉ biết cảm nhận không so đo tính toán, sự dũng mãnh hướng thượng đòi hỏi tấm lòng vị tha , hoà hợp. Suối reo, thác đổ , chim ca  trong các lứa tuổi ngày xanh  sẽ làm trổ hoa tươi lá  những vùng u tối  khổ sầu:

“Nghe chim rừng hoà ca líu lo – Vang trời thanh cao ta reo hò

Đem bao nguồn vui sống yêu mến – Gieo vào nơi u tối lầm than.”

(Phạm Mạnh Cương )

Trong các tác phẩm  văn nghệ GĐPT  chúng ta  không thấy vết cày xới  của gần trăm năm thuộc địa, vết dao cắt của 30 năm đất nước chia đôi, vết hờn căm  của sân hận bạo tàn  trong mấy mùa Pháp nạn ……mà chỉ thấy nêu cao tình người , tình thương chúng sanh , đồng loại .

   Là vì , mục đích của GĐPT qua bài ca Sen Trắng đã vượt qua biên hạn của chủng tộc màu da để nhìn nhận tình chúng sanh – đồng loại . Có bao giờ chúng ta tự hỏi : “ Tại sao Phật thuyết những câu chuyện tiền thân, trong muôn kiếp Ngài đã từng là Chim Oanh Vũ hiếu thảo, Con cá lớn cứu người, con vượn chúa nhân từ, con sư tử Kiên Thệ, Con Nai chúa  Lộc Uyển …. Thậm chí , Ngài đã từng hiến thịt, hiến xác cứu đói, cứu bệnh cho các loài dã thú ? “ Hiểu được điều này để hoà đồng , bình đẳng  có phải chăng đã bước được một quãng dài trên đường khai phóng tự thân ?

     Nói đến sự đơn giản nhẹ nhàng của  ca khúc Chim bốn phương của Hoàng Trọng Cang , có vài phát biểu cá nhân làm cho giới trẻ giật mình ngộ nhận :

–         Phát biểu của Thượng Toạ T.Bửu  : “ Làm gì không làm , sao cứ thích làm chim ? “

–         Phát biểu của một huynh trưởng cao niên : “ Hồi trẻ hát bài chúng ta là chim, bây giờ già rồi  cũng chúng ta là chim !!! “

Có thể  anh chị  không có thời gian để hiểu hay là không muốn hiểu

“ Chúng ta là chim ……sống trong Đạo thiêng  “ : Ở nước cực lạc thường có các loài chim Bạch hạc, khổng tước, Anh Võ, Xá Lợi, Ca Lăng Tần Già, cộng mạng chi điểu….  diễn nói Pháp âm  …..( Kinh  A Di Đà )

“ Chúng ta là hương ……khắp nơi ánh vàng “  Chỉ có hương hoa của người Đức hạnh mới bay ngược chiều gió đi khắp bốn phương ( Kinh Pháp Cú )

   Được làm chim như vậy , được làm hoa như vậy  trong Phật tánh bình đẳng ( bình đẳng tánh trí ) – Ý và lời của Hoàng Trọng Cang thâm sâu vô cùng  mà chỉ với vài ca từ đơn giản .

   Anh Hoàng Cang di trú qua Mỹ được vài năm , nhân dịp  trở về thăm quê hương lần đầu ,anh đã  nói với chúng tôi rằng :

– Qua bên ấy anh có xem được tuyển tập các bài hát ngắn  trong đó có bài   WILL  YE’ (you) COME BACK AGAIN  ?  ( Bạn sẽ trở lại nữa chứ ?) viết từ thập niên 1930  có ký âm  giống bài Dây Thân Ái của ông Lê Lừng , bài này đã được chọn làm bài ca giã từ GĐPT  . Và trong tập nhạc ngắn do Ai hữu Vĩnh Nghiêm  phát hành tại Hoa Kỳ , nhạc sĩ Huynh trưởng Tâm Hoà – Ngô Mạnh Thu không vừa ý đã lên tiếng ; “ Có những bài hát GĐPT  đã được  biên soạn như thế ! “

     Thì đây chúng ta xem lại lời bộc bạch của Tâm Hảo – Hồ Phùng :

      Chính vì nghe những đứa  nhỏ trong xóm  Đập Đá đêm nào  cũng hát , mà nghêu ngao những tiếng Tây không ra Tây – Việt không ra Việt . Nên anh  Lê Lừng mới lấy bài hát Tây đặt lại lời Việt dạy cho chúng hát ……

   Chúng tôi chưa từng gặp ông Lê Lừng để hỏi nguồn gốc của ca khúc ngắn Dây Thân Ai  được biên soạn  thế nào. Có thể anh đặt lời Việt  để có bài hát chia tay ( Hướng Đạo cũng có bài hát chia tay và nắm  tréo tay để hát ) Nhưng chúng ta hãy đọc kỹ phần ca từ – trong đó không có đề cập đến GĐPT, áo Lam, hay Đạo thiêng chi cả !!!  nhưng vẫn thắm thiết Đạo tình , thiên nhiên và tình người  nhắn nhủ nhau khi xa cách  :

      “ Dây thân ái lan rộng muôn nhà . Tay sắp xa nhưng tim không xa . Vui tươi ta biết trong lòng nhớ lòng . Ta hát vang không gian đơm hoa . Đường tuy xa nhưng tình bao la , tiến bước theo hương thơm nhà lưu truyền . Dù cách xa muôn dặm nhưng gần . Gang thép ta chia tay đừng buồn .”

Có thể là vô tình bài ca này được chọn  để kết dây  GĐPT và lâu ngày trở thành truyền thống không thể thay thế!  Chúng tôi không nghĩ rằng  đây là một sự tiếm dụng , nếu có, vì đồng thời với anh có nhiều nhạc sĩ hiểu biết, mà học theo chương trình Pháp thì môn nhạc lý là môn bắt buộc – Anh  từng làm công việc đặt lời nhạc bằng Việt ngữ  chỉ thiếu phần ghi nhạc của nước nào ( Anh hay Pháp ) mà thôi . Vì hiện nay chúng tôi có lưu trữ mấy quyển ca khúc ngắn xưa  của các nước khác mà trong đó không có ghi tên tác giả .

        Đưa ra ba sự kiện : Một , bài ca đầu tiên do cụ Ưng Bình viết lời trên nền nhạc cổ truyền xứ Huế – sau được Bửu Ấn bổ sung  phần nhạc và lời ; hai ,  bài Sen Trắng ban đầu  ghi bằng tiếng Pháp ; ba  , bài Dây Thân ái  nhạc ngoại quốc , Lê Lừng đặt lời Việt  đã nói lên   cái lý phương tiện trong tinh thần dung hoá của Văn Nghệ GĐPT .

  Nhạc sĩ học giả Lê Cao Phan  lừng danh với bài hát Phật Giáo Việt Nam  được công nhận là Giáo ca , Giáo thiều  của  Giáo hội PGVNTN cũng đã ghi 2 lời, lời Việt và lời Pháp trong bảng ký âm của mình (1951).  Lê Cao Phan có một thời gian viết rất khoẻ cho những ca khúc học đường và Thiếu nhi  , còn số lượng tác phẩm dành cho GĐPT lại rất khiêm tốn. Anh là Nhạc sĩ đầu tiên viết nhạc thể loại truyện ca GĐPT : Lòng Hiếu chim Oanh Vũ. Về sau , chúng ta thấy những bài  hát chính thức của trại  HL Lộc Uyển  Vườn xanh ; trại A Dục Đồng ca kết đoàn ; trại Huyền Trang  đều ghi tên  tác giả là Lê Cao Phan . Nhưng chúng tôi đã xác minh qua anh Phan và anh Luyện thì chỉ có bài Vườn Xanh của trại Lộc Uyển  là của anh Lê Cao Phan  còn hai bài A Dục và Huyền Trang là của Anh Lạc ( Nguyễn Đình Luyện )

   Vấn đề kỹ thuật ký âm  của bài ca chính thức trại chưa được chặt chẽ lắm! Thường thì một bài trại ca sẽ hát tiếp theo bài Sen Trắng và nhất thiết phải cùng Ton  SOL  hoặc thấp hơn một cung là Ton Fa  mới đồng âm, nhưng bài Đồng ca kết đoàn  của  Trại A Dục và Huyền Trang ca lại là Ton Do, tức là cách Sol đến 2 cung rưỡi. Thật sự đã gây khó khăn  cho trại sinh khi hát sau bài Sen Trắng .Bài trại ca Phú Lâu Na của nhạc sĩ Bửu Ấn cũng vậy ( ton Ré / 3 ½  )  Có một số nơi  khi tổ chức trại mới, huynh trưởng liền chọn ngay một ca khúc Ton mineur ( thứ ) giai điệu buồn  làm bài ca chính thức. Chứng tỏ GĐPT chưa có một giáo trình  hay những nhận xét  nghiêm túc  để hỗ trợ  cho hàng lãnh đạo thấu biết .

      Nhạc sĩ tài hoa Anh Lạc hay Tâm Bản  là tác giả nhiều ca khúc  GĐPT ,  hay và ý nghĩa nhất là bài ca cuối lửa : Đêm Giã từ  với nhịp 6/8 , một nhịp điệu hiếm hoi trong âm nhạc GĐPT . Đêm cuối lửa lặng yên sau   câu chuyện lửa tàn và mọi người  nhè nhẹ , chầm chậm hát không gõ nhịp , không vỗ tay . Xong , từ từ , im  ắng đứng dậy về lều . tranh cảnh không lời mà sâu khắc tâm tư .

 2/ Tinh thần vô nhiễm ly dục và bình Đẳng ,:

       Tôi nhớ có một thời gian GĐPT múa và hát dân ca  trong vòng tròn  sinh hoạt  chung với Hướng Đạo , học sinh Phật tử …. Những người bạn  này diễn hoạt cảnh  với bài hát Sơn tinh – Thủy tinh . Sơn tinh đem sính lễ đến rước Mỵ nương về , trai đóng giả gái , gái đóng giả trai thì cũng chưa đụng chạm  đến ai  ,  nhưng rồi vòng tròn chia ra từng cặp vừa hát vừa chơi bài dân ca Qua cầu gió bay “ yêu nhau cởi áo cho nhau “ đến đây nhóm GĐPT không biết làm sao cho phải ! chúng tôi cũng không vô tâm đến nổi  đem trò chơi này  về áp dụng cho đoàn. Những ca khúc Ong Ninh , Ong Nang  tranh nhau  cô Kiều dù là hài hước dân dã  cũng cần phải tránh. Nhạc GĐPT không chấp nhận những bài  hát trữ tình  về trai gái, chuyện  lứa đôi như thế nhan nhãn khắp ngoài xã hội.

    Kịch bản Mùa Gặt ác của Võ Đình Cường  là câu chuyện nhân quả  nghiêm túc và  kịch tính  gặt quả có lúc lên đỉnh điểm , đây là  tác phẩm hay của văn học Phật Giáo , tuy có cảnh vợ chồng, nam nữ mến nhau  mà không thân mật, diễn viên  chỉ cần diễn tròn vai. Tuy nhiên trong GĐPT chỉ để cho người lớn đóng không nên để lứa tuổi Thiếu, thanh nam cùng nữ nhập vai rồi suy tưởng, mơ mộng viễn vông.

   Đêm chia tay giữa Thái tử Tất Đạt Đa và công chúa Da Du Đà La , hoặc  chuyện bi thương của đôi vợ chồng thái tử Câu Na La , đôi vợ chồng  Tu Đại Noa và Mạn Trà …….. phải diễn trong niềm tương kính, có ân mà không ái, không khơi dậy  chuyện trai gái trong GĐPT.

    Bên cạnh đó , GĐPT tuy có sử dụng nhạc cộng đồng và nhạc quê hương  trong trình diễn sân khấu, lửa trại hoặc giao lưu  nhưng đều có tuyển chọn  thứ nhất, tránh chuyện tình nam nữ, thứ nhì, tránh công kích phản đối, không suy tôn, châm biếm  nhân vật  và các vấn đề  Xã hội .

     Phải công nhận rằng trong thời kỳ trước 1975, cùng với Hướng Đạo và các vụ Phật tử khác như Sinh viên Phật tử , Học sinh Phật tử … GĐPT có chung hát những ca khúc phản chiến như: Việt Nam Quê hưong ngạo nghễ, Đường Việt Nam của Nguyễn Đức Quang, Ôi ! Tổ quốc ta đã nghe của La Hữu Vang, Nối vòng tay lớn của Trịnh Công Sơn , Hát từ đồng hoang của Miên Đức Thắng, vượt đồi nương của Phạm Đình Chương  …..Nhưng sau 1975  chỉ còn một tổ chức GĐPT sinh hoạt và hát trở lại những ca khúc thuần túy của mình  và dòng nhạc Hiếu của xã hội . Tuy nhiên , có những  ca khúc ngắn  thuộc loại nhạc sinh hoạt cộng đồng  đã quen và không còn phân biệt được  như Bốn phương trời , anh em ta về , cùng nhau múa ,đường đi khó , nhảy lửa …v….v… Vì những nền nhạc và ca từ của chúng vui tươi trong sáng nên vẫn có chỗ đứng trong GĐPT .

   Về nhạc quê hương  GĐPT không chấp nhận loại nhạc trữ tình mà  còn phải cẩn thận với những bài dân ca có tính cách sát sinh hại vật như: Tiếng dân chài của Phạm Đình Chương , hò giăng lưới miền Trung…. Trong nhạc sinh hoạt càng không thể  xử dụng  các bài bắt cá, bắt cua  hoặc các trò chơi nhỏ bắn súng , bắn tàu .Cannon

     Tóm lại , Huynh trưởng khi phát ngôn hay ca hát , ra trò chơi đều có ý thức về tinh thần giáo dục qua văn nghệ GĐPT  , không nên dễ dãi  để lâu ngày  thành tật sẽ rất khó sửa đổi . Nên mới có sự nghiên cứu để  “ Phật hoá  “ trò chơi là vậy .

  Đến khi phong trào GĐPT lớn mạnh  cùng với  sự kiện thống nhất Phật Giáo Việt Nam , nhu cầu văn nghệ trình diễn  nhạc Đạo trên sân khấu  cho quí Phật tử  xem  rất cần thiết –  Từ đó dòng nhạc  dài  trên 32 ô nhịp phát triển . Có những ca khúc bất hủ như Từ Đàm Quê hương tôi  của Nguyên Thông, Nhớ mái chùa xưa  của Nguyên Đàm , Nguyên Diệu , mưa đông rơi của Hoàng Cang, Tôi yêu màu Lam của Trần Nhật Thành , Ánh Đạo vàng của Hằng Vang ..v…v..

  còn tiếp

Bài khác nên xem

Nhạc Karaoke: Đêm Mầu Nhiệm – Ý thơ Nhất Hạnh

ducquang

Dư Âm Không Dứt (tiếp phần 2)

ducquang

Chùa Từ Đàm Xưa và Nay

phuocthanh