Trăn trở về lịch sử

Kiến Thức Ngày Nay số 787, ngày 1.10.2012, có bài phỏng vấn ông Du Thanh Khiêm, nhà sưu tập sách cổ, hiện là Việt kiều ở Bỉ.

Ông Khiêm là người lãnh đạo của Viện Giáo Dục tại Bỉ, một giáo sư, một nhà sưu tập cổ vật đa dạng đã nói “sướng nhất, khi được ôm sách… ngủ”. Lời nói này khẳng định sở thích đặc biệt của ông.

Trong suốt bài phỏng vấn của Ánh Hường, tôi tâm đắc ở câu hỏi và câu trả lời gần cuối các câu hỏi: “Sưu tập sách cổ cũng là một trong những công việc ông thường làm có liên quan đến quê hương đất nước. Ông có trăn trở gì trong quá trình sưu tập sách cổ này?”.

Trả lời: “Tôi lo lắng một điều là những sách quý hoặc những tài liệu về đất nước sẽ lưu lạc ở đâu đó mà không về tay người Việt. Ở Pháp cũng có một số anh em có niềm đam mê đó, không phải là cho cá nhân, không phải là cuộc tranh đua nhưng điều duy nhất họ mong muốn là gặt hái tất cả những ký ức về cha ông.

Một đất nước mà thế hệ trẻ không biết lịch sử của mình, không biết cha ông của mình là ai, chẳng khác nào một đất nước không có quá khứ. Mà một dân tộc không có quá khứ thì sẽ không bao giờ có tương lai. Không biết về cha ông của mình là một cái tội. Tôi rất sợ trẻ con sau này lớn lên không biết nhiều về lịch sử. Tôi lấy làm buồn khi nghe tin thí sinh đi thi ngày càng kém điểm môn lịch sử. Đó là trách nhiệm của tất cả mọi người, kể cả những người đang làm giáo dục cũng như tất cả những người làm công tác truyền thông, từ các nhà báo cho đến các “nhà đài” phải phổ biến cho giới trẻ biết cha ông chúng ta là những người như thế nào. Luôn luôn trong dòng máu của chúng ta là dòng máu của hằng nghìn năm lịch sử, dù có thăng trầm nhưng dân tộc chúng ta là một dân tộc bất khuất. Người Pháp từng nói rằng “Người Việt Nam biết sống và biết chết”. Vì vậy nên sưu tầm sách cổ của tôi cũng nhằm mục đích đó. Tôi từng nghĩ tất cả những cổ vật liên quan đến Việt Nam nếu được nằm trong tay một người Việt là điều quý giá nhất. Con người sinh ra đến một lúc nào đó sẽ nằm xuống, nhưng quê hương đất nước sẽ còn mãi mãi”.

Đọc đoạn văn trả lời trên. Tôi thành thật tán thành và tán dương tư tưởng, hành động của một người Việt xa quê đã ôm ấp thật nhiều tinh thần yêu quê hương, đất nước, và tự nhiên các câu hỏi tiếp theo dậy lên ở trong đầu.

Vậy người Việt Nam đang sống tại Việt Nam; đang lãnh đạo đất nước Việt Nam; người Việt Nam đang làm công tác giáo dục cho tuổi trẻ Việt Nam; các Ngài nghĩ gì, làm gì mà toàn quốc chỉ duy nhất một thí sinh thi môn Lịch Sử !!!

Năm nào cũng nghe “cải tổ giáo dục”, rổn rảng “đổi mới tư duy” mà thực tế cứ “vũ như cẩn”, trong lúc ngân sách quốc gia chi cho nền giáo dục quốc dân không nhỏ. Học phí cứ tăng, phụ huynh chạy tiền lo cho con ăn học bở hơi tai; học sinh đi học cỏng một núi sách còng lưng; học thêm, học phụ đạo, học hè, luyện thi… công khai có, âm thầm có, nhan nhản khắp nơi thì học sinh phải giỏi mới phải, đằng này thì…. nói làm gì mà cái chuyện ai cũng biết!

Vậy nên, vì ai cũng biết nên lão tự hỏi rồi tự trả lời. Buồn quá nên viết vài chữ coi như ” xã-xú-páp” cho nó bớt buồn, bớt giận, bớt lo, bớt suy tư, bớt dằn vặt. Mang theo, nặng cái hòm.

Hì… hì… thế thôi.

Hay là vì lão là kẻ “ếch nằm đáy giếng”? Hi… hi…

Cửu Chỉ Thần Tăng
THÍCH MINH TÂM

Bài khác nên xem

Cánh Gà Và Sự Nguy Hiểm Của Nó

phuocthanh

Viện Đại Học Vạn Hạnh Với Vai Trò Là Một Think Tank Phật Giáo Miền Nam Trước Năm 1975

phuocthanh

Biến chứng dinh dưỡng ở người bệnh xơ gan

phuocthanh