Về Toa Thuốc ‘‘Bí Truyền” Trị Ung Thư

Về Toa Thuốc ‘‘Bí Truyền” Trị Ung Thư

Trong thời gian qua, nhiều bạn đọc thắc mắc về bài thuốc “bí truyền” của một “tử tù” người Hoa, trước khi thọ án, sợ thất truyền nên y đã truyền lại. Đại thể, bài thuốc gồm 2 vị là Bạch hoa xà thiệt thảo và Bán chi liên, mỗi thứ vài chục gram, sắc uống mỗi ngày, trong nhiều ngày, có thể trị được nhiều loại ung thư…

 Những người bán thuốc này, ở chợ Bà Chiểu (có cò mồi vào “tiếp thị” ở Trung tâm ung bướu), thường kèm theo bản sao của nội dung thư của bà con Việt kiều gửi về để “làm phước” mà một vài tờ báo cũng đã đăng. Vấn đề thực hư ra sao, xin mời bạn đọc theo dõi bài viết sau đây.

VỀ TOA THUỐC “BÍ TRUYỀN” CHỮA UNG THƯ, THỰC HƯ THẾ NÀO?

Ung thư, ngày nay tuy đã có rất nhiều tiến bộ trong phát hiện và điều trị, nhưng nói chung cho tới nay, vẫn còn là bệnh khó trị khỏi, nhất là khi phát hiện quá trễ. Vì thế, nhiều bệnh nhân ung thư, nhất là một khi họ đã bị bác sĩ “chê” rồi, chỉ còn cách bám víu vào các phương thuốc bí truyền hay gia truyền với hy vọng “còn nước còn tát” mà thôi. Có người ăn gạo lứt muối mè theo Osawa, có người uống lá đu đủ, có người dùng sừng tê giác, có người dùng “dầu mỏ quạ”, có người dùng Bạch hoa xà thiệt thảo với Bán chi liên, gần đây người ta còn thêm một ít cây Dừa cạn và cây Chó đẻ vào bài thuốc này nữa… Nhưng việc gì đến sẽ đến, ung thư các loại, nếu để quá trễ cũng đành bó tay, dù là bác sĩ, lương y hay thầy lang.

Toa thuốc Bạch hoa xà thiệt thảo + Bán chi liên, theo DS. Phan Đức Bình, không phải do Việt kiều ở Mỹ phổ biến về trong mấy năm gần đây, mà đã có từ trước năm 1975. Do đó, cái gọi là “toa thuốc bí truyền của người tử tù” hoặc những “lá thư mách của Việt kiều” chỉ là những cách “tiếp thị” cho có vẻ ly kỳ để câu khách của người “bán thuốc” mà thôi. Cũng giống như “bài thuốc đại bổ” cùng mấy chục vị thuốc bắc mà một người nào đó “dùng thử thấy hay” nên viết thư truyền bá “làm phước” cho mọi người…Thực ra toa thuốc “Bạch hoa xà thiệt thảo phối với Bán chi liên” để điều trị bệnh nham hay ung thư, xuất phát từ Hồng Kông hay Đài Loan nhập về Sài Gòn bán cho các bệnh nhân ung thư giàu có, ít nhất từ 1971 và DS. Bình đã theo dõi và năm 1977 đã đưa vào khoa dược Trường đại học y dược để nghiên cứu. Từ 1972 đến nay, có rất nhiều sách mà tôi đã được đọc đều có nói đến toa thuốc này. Tôi cũng có đọc qua quyển nhật ký “Con đường tôi đi” của DS. Phan Bảo An và thấy từ 1971 đến nay, ông đã ghi nhận được 14 trường hợp mà bệnh nhân ung thư (có xác nhận y khoa) đã dùng bài thuốc “Bạch hoa xà thiệt thảo/ Bán chi liên” theo nhiều người mách bảo. Kết quả không một người nào khỏi bệnh: bệnh nhân thứ 13 cũng đã chết và bệnh nhân thứ 14 bị ung thư gan đã dùng 6 tháng liền mà tình trạng cơ thể ngày càng suy kiệt, và cuối cùng cũng không qua nổi.

Đứng trước một bệnh nhân mà thầy thuốc đã chào thua, nếu có ai chỉ cho một phương thuốc bí truyền nào đó, để bệnh nhân có một chút hy vọng sau cùng, còn hơn là nghe thầy nói “hãy về tìm món gì ngon ngon mà ăn đi kẻo không kịp…”. Dĩ nhiên phương thuốc đó dùng có hiệu quả hay không thì cũng không được có độc tính và phải rẻ tiền, vì bệnh nhân ung thư và gia đình họ vốn đã hết của, mang nợ vì bệnh này rồi. Cây Cỏ lưỡi rắn có thể đáp ứng được các điều kiện trên, vì người không tiền cũng có thể tự thu hái cây mọc hoang để dùng.

BẠCH HOA XÀ THIỆT THẢO

Tên này có nghĩa là cỏ có lá hình lưỡi của con rắn có đốm trắng, nên còn cótên là Cỏ lưỡi rắn. Là một loại cỏ nhỏ, cao khoảng 10 – 15 cm hay hơn. Thân vuông nhỏ như que tăm nhang, lá mọc đối, rộng khoảng 0,5 – 1 mm, dài 2 – 3 cm. Hoa hình cầu màu trắng, đường kính 0,5 mm. Cây mọc hoang khắp nơi, có thể nói ở đâu có cỏ là có cây này nên rất dễ tìm.

Chúng ta cần phân biệt hai loài Cỏ lưỡi rắn:

– Cây Bạch hoa xà thiệt thảo (Oldenlandia diffusa = Hedyotis diffusa), Cỏ lưỡi rắn này có hoa mọc ở nách lá, cuống hoa rất ngắn, khoảng 1 mm. Mỗi nách lá thường chỉ có 1 hoa mà thôi.

– Cây Oldenlandia (Hedyotis corymbosa, cũng gọi là Cỏ lưỡi rắn) thì cuống hoa dài độ 3 – 4 mm, mỗi cuống hoa có 1, 2 hay 3 hoa. Ở nước ta, DS. Phan Đức Bình cho biết có cả hai loài Cỏ lưỡi rắn này và loài thứ hai (O. corymbosa) mọc phổ biến hơn, do đó trong các gói thuốc “trị ung thư” buôn bán hiện nay là loài này.

Trong điều trị, theo sách Trung Quốc, người ta dùng cả hai cây này với tác dụng như nhau.

Không nên lầm lẫn với một cây khác cũng có tên Bạch hoa xà (Plumbago zeylanica), có nghĩa là cây có hình dáng  con rắn có hoa trắng, nhưng cây này có thân hơi hóa gỗ và cao to hơn Bạch hoa xà thiệt thảo hàng chục lần.

DƯỢC TÍNH CỦA CỎ LƯỠI RẮN

Cây Cỏ lưỡi rắn được nhiều địa phương dùng với tác dụng tương tự như sau: vị lạt, tính mát. Tác dụng thanh nhiệt, lợi tiểu, giải độc, tiêu viêm.

– Dùng trong nhiều chứng viêm như: viêm gan cấp tính và mãn tính, lỵ trực khuẩn, ho gà, viêm đường hô hấp trên, viêm đường tiết niệu.

– Trị rắn độc cắn, phối hợp với Bán chi liên.

– Trị nham (một dạng ung thư theo nghĩa y học cổ truyền) phối hợp với Bán chi liên, có tác dụng làm cho nham chậm phát triển (Sách Trung y phương dược học, xuất bản 1973 ở Quảng Đông).

Sách “Ứng dụng lâm sàng”, xuất bản năm 1975 ở Quảng Đông giới thiệu:

– “Bạch hoa xà thiệt thảo có tác dụng kích thích sự tăng sinh của tế bào hệ lưới nội mô (système réticulo endothélial).

– Nâng cao sức thực bào của bạch cầu.

– Trong thực nghiệm thấy tính kháng khuẩn yếu, nhưng thấy rõ tác dụng nâng cao sức thực bào của các bạch cầu, do đó vị này có tác dụng điều trị một số chứng nhiễm khuẩn có thể do tác dụng kể trên. Một khi thuốc có tác dụng gia tăng khả năng thực bào của hệ miễn dịch thì cũng có tác dụng ngừa, chữaung thư ở giai đoạn đầu (chứ để đến giai đoạn cuối thì không hiệu quả).

– Điều trị các chứng viêm thì dùng 20 – 50 g nấu sắc uống.

Điều trị rắn cắn dùng 20 – 80 g nấu sôi 10 – 15 phút uống. Điều trị các chứng nham, dùng 40 – 80 g nấu sắc uống. Có thể dùng đến 200 g và phải uống dài lâu”.

Năm 1978 – 1979, TS. Nguyễn Thị Lâu, DS. Phan Đức Bình và DS. Nguyễn Thị Hằng đã nghiên cứu thăm dò tác dụng kháng ung thư của loài Cỏ rưỡi rắn Hedyotis diffusa nói trên tại khoa dược Trường đại học y dược TP. Hồ Chí Minh, nhận thấy nước sắc Cỏ rưỡi rắn có tác dụng ức chế sự phân bào của rễ tỏi trong ống nghiệm (in vitro) – (Báo cáo tại Hội nghị tổng kết công tác nghiên cứu khoa học kỹ thuật ngành dược các tỉnh phía nam 1978). Điều này có nghĩa là cây Cỏ lưỡi rắn có thể có khả năng kháng ung thư. Muốn xác định chúng có tác dụng trị ung thư hay không, còn phải qua hai giai đoạn nữa là thí nghiệm trên súc vật (in vivo) và trên lâm sàng (trên cơ thể người bệnh) mà các tác giả trên chưa có điều kiện thực hiện.

BÁN CHI LIÊN

Bán chi liên (Scutellaria barbata) là cây cỏ cao khoảng 30 cm, lá dài khoảng 1 – 3 cm, rộng 1 cm, bìa lá có răng cưa thưa và ít (2 – 3 răng cưa). Lá mọc đối, mặt trên màu xanh, mặt dưới màu tím nhạt, cuống lá 3 cm. Thân cây đoạn dưới vuông rõ, đoạn cây non thì gần như tròn, cuống lá gần như không có. Hoa màu tím nhạt, có hai môi, hoa mọc về một phía.

Sách Cây cỏ ViệtNamcó giới thiệucây Scutellaria barbata dưới tên Hoàng cầm râu, có tác dụng trị ung thư. Cây Bán chi liên thường dùng phối hợp với cây Cỏ lưỡi rắn để trị các chứng viêm, rắn độc cắn, các chứng nham. Liều thường dùng 40 – 80 g nấu sắc uống.

Ngoài ra ở ta cũng có nhiều cây cùng chi Scutellaria mà trong các mớ dược liệu thường trộn vào thay Bán chi liên! Theo một nghiên cứu mới đây của GS. Alan Mc Grown và cộng sự tại Đại họcSalford(Anh Quốc) thì dịch chiết từ cây Scutellaria barbata (Bán chi liên) có tác dụng trị ung thư bằng cách hủy hoại các mạch máu cung cấp cho khối u. Theo DS. Phan Đức Bình, Bạch hoa xà thiệt thảo và Bán chi liên là hai cây thuốc quý, có tác dụng kháng viêm, kháng sinh và gia tăng sức đề kháng của hệ miễn dịch nên có khả năng ngừa ung thư ở giai đoạn đầu khá tốt, hiện anh đang kết hợp với Công ty dược Vĩnh Long nghiên cứu sản xuất một dược phẩm gồm Bạch hoa xà thiệt thảo, Bán chi liên và Hoàng hoa địa đinh… để trị viêm gan siêu vi và ngừa trị ung thư gan.

 BS. HUỲNH NGỌC TỰNG


Bài khác nên xem

Nhà thơ Thụy Điển giành giải Nobel Văn học 2011

phuocthanh

7 cách đơn giản để phòng ngừa ung thư

phuocthanh

Bí ẩn lá đổi màu vào mùa thu

datthinh